Ia Grai nỗ lực cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của tỉnh Gia Lai, huyện Ia Grai đứng vị trí thứ 16/17 huyện, thị xã, thành phố. Trước thực tế đó, UBND huyện đã triển khai các giải pháp nhằm từng bước cải thiện chỉ số CCHC của địa phương.
 

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện văn hóa xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Lài
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện văn hóa xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Lài


Ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác CCHC tại địa phương. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời triển khai hệ thống “Một cửa điện tử” đến 13/13 xã, thị trấn.

Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp huyện và 13 xã, thị trấn đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc đạt 100%; lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành và giải quyết công việc đạt tỷ lệ 100%. Ngoài chuyển giao bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) sang Bưu điện huyện từ ngày 17-6-2019, huyện cũng thực hiện thí điểm mô hình này tại xã Ia Tô từ tháng 11-2019.

Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Bưu điện văn hóa xã Ia Tô, chúng tôi nhận thấy có khá đông người đến giải quyết TTHC. Từ khi chuyển đổi, Bưu điện văn hóa xã đã được đầu tư đầy đủ trang-thiết bị đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân khi có nhu cầu giao dịch hành chính công. Các quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian, lệ phí… đều được niêm yết công khai.

Trong quý III-2020, Bưu điện văn hóa xã Ia Tô đã tiếp nhận hơn 1.400 hồ sơ. Việc tiếp nhận và giải quyết trước và đúng hạn so với quy định (có 41 hồ sơ trễ hẹn do cán bộ, công chức quên kích trả trên hệ thống nhưng trên thực tế đã trả đúng hẹn).

Chị Puih Lý (làng De Lung 2, xã Ia Tô) chia sẻ: “Khi đến làm thủ tục, cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, giải đáp kịp thời thắc mắc của người dân. Đặc biệt, thay vì trực tiếp đến nhận kết quả, mình có thể lựa chọn hình thức gửi hồ sơ, nhận kết quả tận nhà, rất thuận tiện”.

Ông Trịnh Viết Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Tô-cho hay: Để công tác tiếp nhận và trả kết quả được tốt, UBND xã cử nhân viên bưu điện tham gia lớp tập huấn do cơ quan cấp trên tổ chức; bố trí cán bộ, công chức chuyên về giải quyết TTHC của xã trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về CCHC được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như thông qua các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý, các buổi tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật tại các thôn, làng.

Nhằm đánh giá việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, tháng 8-2020, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn. Kết quả, hồ sơ trễ hạn trên hệ thống “Một cửa điện tử” cấp huyện vẫn còn.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ TTHC do UBND huyện tiếp nhận là hơn 3.991 hồ sơ; số hồ sơ đã được giải quyết là 3.731 hồ sơ (trong đó, giải quyết đúng hạn là 3.726 hồ sơ, chiếm 99,87%; giải quyết quá hạn 5 hồ sơ, chiếm 0,13%). Đối với cấp xã: tổng số hồ sơ TTHC do UBND xã, thị trấn tiếp nhận là 15.274 hồ sơ; số hồ sơ đã được giải quyết 15.272 (đúng hạn 15.236 hồ sơ, chiếm 99,76%; quá hạn 36 hồ sơ, chiếm 0,24%).
 

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện văn hóa xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Lài
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bưu điện huyện Ia Grai. Ảnh: Phan Lài


Tuy nhiên, công tác chỉ đạo và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số ngành, chính quyền cơ sở đôi lúc chưa kịp thời; tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa cao; việc vận hành trang thông tin điện tử cấp xã chưa hiệu quả, tỷ lệ tin, bài đăng tải còn hạn chế. Nguyên nhân là do cơ chế phối hợp giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nhịp nhàng, đồng bộ, dẫn đến một số hồ sơ giải quyết trễ hạn. Mặt bằng dân trí và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, người dân vẫn sử dụng phương thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để được nhân viên hướng dẫn trực tiếp...

Trao đổi với P.V, ông Ngô Văn Khoa-Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Ia Grai-cho biết: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo in nội dung hướng dẫn quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên mặt sau phiếu tiếp nhận và trả kết quả. Cùng với đó, huyện cũng niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; hộp thư góp ý tại bộ phận một cửa nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận này.

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.