Hôm nay, ông Đinh La Thăng bị đưa ra xét xử lần hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần này, ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm bị đưa ra xét xử vì làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN ở Oceanbank.

 Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hồi tháng 1.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa hồi tháng 1.



Từ ngày 19 đến 29-3, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm ra xét xử tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Có khoảng 20 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng có 5 luật sư, gồm: Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài, Nguyễn Ngọc Luận, Lê Văn Thiệp.

Có 1 nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 1 giám định viên; 4 người làm chứng; 6 cá nhân và 1 tổ chức (OceanBank) tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa án và Viện Kiểm sát bố trí thêm 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân, 1 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.

7 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV), Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng, kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV).

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính, nhưng đã cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.

Đến ngày 1-1-2011, luật Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...".

Với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%, mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái quy định.

Việc làm của ông Đinh La Thăng đã tạo điều kiện cho các bị can khác trong vụ án tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (góp vốn đợt 3) vào Oceanbank.

Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank.

Cáo trạng cho rằng, ông Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN, có trách nhiệm bảo toàn vốn của  PVN, bị can phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng.

Trong giai đoạn truy tố, ông Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng lượng khoan hồng.

Trước đó, từ ngày 8- 22/1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác ra xét xử tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Ông Đinh La Thăng đã phải nhận 13 năm tù vì tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

T.Nhung (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm