Hội tình thương Pleiku: Giúp người bằng cả tấm lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 năm nay, Hội tình thương Pleiku đã trao hàng ngàn suất cơm miễn phí cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế các huyện: Chư Pah, Ia Grai và cơ sở nuôi dạy trẻ đặc biệt ở số 57 đường Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, TP. Pleiku. Đáng nói là những thành viên của Hội đều đã lớn tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 71. Họ gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện và có chung mong muốn đóng góp chút công sức giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Mới 6 giờ sáng nhưng không khí trong căn bếp của bà Nguyễn Thị Bích Loan (214 đường Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) đã sôi nổi. Bà Hoàng Kim Thanh (56 tuổi) nhặt rau muống, bà Đào Thị Minh (55 tuổi) chiên cá, bà Nguyễn Thị Thịnh (71 tuổi) xới lại những nồi cơm… Mỗi người mỗi việc để hoàn thành hơn 300 suất cơm kịp trao tận tay cho các bệnh nhân. Ai nấy đều tất bật nhưng vẫn rất cẩn thận trong từng khâu. Vặn nhỏ lửa nồi cá chiên, bà Minh cho biết: “Hội tình thương Pleiku có 43 thành viên, trong đó, nhóm phụ trách nấu cơm từ thiện có 7-10 người. Hội phát cơm miễn phí vào sáng thứ tư hàng tuần. Các thành viên chủ động liên hệ với cơ sở y tế nắm số lượng bệnh nhân để lên thực đơn. 3 giờ sáng, chúng tôi đã phải dậy sớm để mua thực phẩm, nguyên liệu luôn phải tươi ngon và bảo đảm an toàn”.
 Thành viên Hội tình thương Pleiku chuẩn bị cơm để trao cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: T.B
Thành viên Hội tình thương Pleiku chuẩn bị cơm để trao cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: T.B
Sau khi nấu xong, mỗi suất cơm được đóng hộp cẩn thận. Đến 10 giờ, xe chở 140 suất đến Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, 130 suất đến Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Tùy số lượng bệnh nhân mà con số trên có thể thay đổi. Riêng cơ sở nuôi dạy trẻ em đặc biệt ở đường Trần Nhật Duật, số lượng luôn cố định là 40 suất. Một số thành viên trong Hội có xe ô tô nên khá thuận lợi trong việc phân phát cơm. Chi phí mỗi đợt nấu cơm khoảng 4 triệu đồng do các thành viên trong Hội đóng góp.
Theo chân các thành viên Hội tình thương Pleiku đến các địa điểm phát cơm vào sáng 18-12, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của công việc thầm lặng này. Tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, do được thông báo thời gian phát cơm là 10 giờ 30 phút nên nhiều bệnh nhân cùng người nhà đã xếp hàng chờ đợi. Họ đều là người nghèo, người dân tộc thiểu số, già yếu. Cầm hộp cơm còn nóng trên tay, chị Rơ Châm Quá (làng Roih, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Con mình bị bệnh đường ruột. Nhà nghèo lại ở xa nên người thân không đem cơm ra được. 2 ngày nay, mình mua cháo cho con, còn mình ăn bánh mì. Hôm nay, được cô chú cho suất cơm ngon, mình mừng lắm”.
Tại cơ sở nuôi dạy trẻ đặc biệt ở đường Trần Nhật Duật, sau khi phát cơm, họ đều nán lại, cẩn thận gỡ từng sợi dây thun buộc hộp cơm rồi đặt lên bàn, bày muỗng sẵn sàng. Là bởi, 40 em nhỏ ở đây bị bệnh down, câm điếc bẩm sinh, tự kỷ… Lần nào đến trao cơm ở đây, bà Hoàng Kim Phương-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Diên Hồng (TP. Pleiku), thành viên của Hội tình thương Pleiku đều không giấu được sự xúc động. Bà Phương cho biết: “Chúng tôi đều đã lên chức ông bà, may mắn các cháu nội ngoại đều khỏe mạnh. Khi nhìn thấy những đứa trẻ này, chúng tôi thương lắm nhưng không biết giúp gì hơn ngoài việc nấu cho các cháu những bữa cơm ngon”.
Ông Huỳnh Văn Chí-người sáng lập Hội tình thương Pleiku-cho biết: “Một lần ra thăm người bạn nằm viện, thấy một bệnh nhân người dân tộc thiểu số nằm cùng phòng chỉ ăn cháo trắng, hỏi ra mới biết gia đình khó khăn quá không có tiền mua cơm. Tôi bèn kết nối với những người quen, đề xuất nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo và nhận được sự đồng thuận. Chúng tôi đã duy trì hoạt động này hơn 1 năm qua, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay đã có 43 người ở nhiều địa phương trong tỉnh tham gia. Thấy bệnh nhân có được bữa cơm ngon, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục duy trì hoạt động này”.
43 thành viên của Hội tình thương Pleiku người đã nghỉ hưu, người đang buôn bán tại nhà, người là chủ hãng xe khách lớn… Mỗi người một công việc khác nhau, người góp công, người góp sức với mong muốn giúp đỡ được những mảnh đời khó khăn. Là thành viên tích cực, tham gia tất cả các buổi nấu cơm, bà Thịnh cho biết: “Tôi rất vui khi được đóng góp một chút công sức giúp đỡ những người bệnh. Thấy việc làm ý nghĩa nên các con rất ủng hộ tôi tham gia Hội”.
Ngoài nấu cơm từ thiện, Hội còn thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện, tặng quà tại các làng phong trên địa bàn tỉnh với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. “Mỗi suất cơm, mỗi phần quà mà Hội trao tặng không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là tình cảm, nguồn cổ vũ tinh thần để những mảnh đời khó khăn có thêm niềm tin vào cuộc sống. Qua những hoạt động của Hội, chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng thiện nguyện cho nhiều người để có thêm sự chung tay giúp đỡ”-ông Huỳnh Văn Chí mong mỏi. 
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh phấn đấu hỗ trợ cho 50.000 lượt người nghèo, khó khăn với tổng giá trị đạt 22 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Tết nhân ái

(GLO)- Với mục tiêu huy động sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp người nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc, phong trào “Tết nhân ái” đã được triển khai và nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.