Hội thi STEM: Sân chơi sáng tạo dành cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thi STEM do cụm chuyên môn số 4 (Sở Giáo dục và Đào tạo) tổ chức ngày 20-1 vừa qua tại Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) đã thu hút đông đảo học sinh THPT, THCS tham gia, tạo nên sân chơi bổ ích, thúc đẩy đam mê sáng tạo trong giới trẻ.

Sân chơi bổ ích

Ngày hội STEM có sự tham gia của 9 trường THPT và THCS tại các huyện: Krông Pa, Phú Thiện, Đak Pơ, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku. Các đội tham gia 2 phần thi: trưng bày sản phẩm STEM và Robotics.

Tại phần thi trưng bày sản phẩm STEM, các đội giới thiệu về ý tưởng, nguyên lý hoạt động, tính ứng dụng trong thực tiễn của sản phẩm. Đối với phần thi Robotics, các đội lập trình, điều khiển robot thực hiện 6 nhiệm vụ trên sa bàn: sáng đèn chào mừng đến với Ayun Pa, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Ayun Pa, thăm và giới thiệu di tích Khu lưu niệm nhà giáo Nay Der, vượt chướng ngại vật, vượt đèo Tô Na, lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tại Nhà máy năng lượng mặt trời Chư Gu.

Tại mỗi phần thi, các đội đã thể hiện sự sáng tạo trong việc ứng dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt ứng dụng kiến thức vật lý và công nghệ xây dựng mô hình đường đua xe bằng lực từ nam châm. Ảnh: V.C

Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt ứng dụng kiến thức vật lý và công nghệ xây dựng mô hình đường đua xe bằng lực từ nam châm. Ảnh: V.C

Nhóm tác giả Trần Đức Đạt và Phan Ngọc Lan (lớp 10A1, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) mang đến Dự án “Bếp năng lượng mặt trời”.

Đạt chia sẻ: Với sự chuyển hóa năng lượng dẫn nhiệt và giữ nhiệt, sản phẩm “Bếp năng lượng mặt trời” sẽ giúp bà con nông dân khi đi làm ở nương rẫy có thể hâm, nấu ăn tại chỗ, tiết kiệm thời gian đi lại. Sản phẩm không gây cháy, nổ. Bếp được làm từ các vật liệu dễ kiếm với chi phí gần 200 ngàn đồng.

“Với bếp năng lượng mặt trời, người nông dân chỉ mất khoảng 20 phút để nướng thịt bò một nắng, 10 phút để chiên trứng. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm bằng các chất liệu khác giúp làm nóng nhanh hơn.

Thông qua hội thi, chúng em mong muốn giới thiệu sản phẩm bếp năng lượng mặt trời tới nhiều người, nhất là những hộ nghèo, giúp bà con tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi lao động xa nhà, chế biến thức ăn sạch, tốt cho sức khỏe”-Đạt bộc bạch.

Trong khi đó, phần thi Robotics là những màn so tài gay cấn giữa các đội. Hoàn thành tất cả các thử thách trong 3 phút 25 giây, đội Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) giành giải nhất.

Em Nguyễn Phạm Trung Nguyên (lớp 12A5) cho hay: “Em có đam mê đặc biệt với các sản phẩm robot. Đây là lần thứ 2 em tham gia cuộc thi Robotics nên có một chút kinh nghiệm. Nhóm chúng em gồm 5 thành viên, tập luyện khoảng 1 tuần trước ngày thi.

Ở vòng thi thứ nhất, chúng em gặp trục trặc khi điều khiển robot đi theo vòng tròn, nhưng tại vòng thứ 2, chúng em điều chỉnh kịp thời và giành chiến thắng. Hy vọng những cuộc thi như này sẽ được tổ chức thường xuyên để chúng em được thử sức với đam mê”.

Thúc đẩy đam mê sáng tạo

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức hội thi, cô Phạm Thị Hồng Ngọc-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông-cho hay: Nhằm tạo cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, ngoài các đơn vị trong cụm chuyên môn số 4, Ban tổ chức mời thêm một số trường trong tỉnh tham gia.

So với 2 lần trước, phần thi Robotics lần này có sự đổi mới, đó là kết nối máy tính, điện thoại thông minh với trí tuệ nhân tạo trong việc phát âm thanh giới thiệu về di tích Khu lưu niệm nhà giáo Nay Der.

Mục đích của hoạt động ngoài thể hiện trình độ lập trình còn giúp các em học sinh có thêm kiến thức về lịch sử, địa lý địa phương.

Phần thi Robotics thể hiện khả năng lập trình, điều khiển robot của các em học sinh. Ảnh: Vũ Chi

Phần thi Robotics thể hiện khả năng lập trình, điều khiển robot của các em học sinh. Ảnh: Vũ Chi

Kết thúc hội thi, với mỗi phần thi (trưng bày sản phẩm STEM và Robotics), Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 7 giải khuyến khích. Trong đó, 2 giải nhất đều thuộc về Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) với phần thi trưng bày sản phẩm STEM là “Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn và thuốc lá”.

Cũng theo cô Ngọc, để tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, nhà trường xây dựng kế hoạch dài hạn. Cuối năm học, thầy cô cùng các em học sinh lên ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng trong dịp hè. Nhà trường tổ chức hội thi cấp trường để chọn ra đội xuất sắc nhất tham gia thi cấp tỉnh.

Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh vừa tổ chức, nhà trường đạt 3 giải. Đây là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục đẩy mạnh chương trình giáo dục STEM trong thời gian tới.

Còn thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) thì cho rằng: “Hội thi tạo sân chơi khoa học sáng tạo để các em sử dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề trong thực tế và làm ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Trường THPT Nguyễn Du nằm trên địa bàn vùng khó nên chưa có học sinh tham gia cuộc thi lần này. Ban Giám hiệu và một số thầy cô có mặt tại hội thi để học hỏi, triển khai cho học sinh của trường trong thời gian tới”.

Với vai trò Ban giám khảo hội thi, thầy Phạm Văn Sơn-Giáo viên Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: “Đây là lần thứ 2 tôi làm giám khảo hội thi STEM tại tỉnh Gia Lai. Qua hội thi, tôi thấy nhiều sản phẩm sáng tạo, mang tính ứng dụng cao.

Tiêu biểu như: “Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn và thuốc lá” (Trường THCS và THPT Y Đôn); “Nước rửa chén thiên nhiên” (Trường THPT Lê Thánh Tông); “Đường đua xe bằng lực từ nam châm” và “Máy phát điện mini” (Trường THPT Lý Thường Kiệt, thị xã Ayun Pa); “Bếp năng lượng mặt trời” (Trường THPT Chu Văn An).

Bên cạnh đó, phần thi Robotics thể hiện khả năng lập trình, điều khiển robot điêu luyện của các đội. Thành công của hội thi cho thấy mô hình giáo dục STEM trong nhà trường là đúng đắn, góp phần phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh, qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường”.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.