Hội thảo 'Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp CN và Công đoàn VN'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018), ngày 18-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”. Ảnh: Thanh Vũ
Qua đó khẳng định công lao và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của Người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng-Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đó là sự hy sinh phấn đấu cho lý tưởng của Đảng; cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”.
Hội thảo là dịp để tri ân Chủ tịch Tôn Đức Thắng- một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Người đã có những đóng góp quan trọng vào xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tìền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở vùng đất Nam Kỳ.
Tiến sĩ Bùi Văn Cường khẳng định: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào. Dù ở cương vị nào, Người vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo”.
Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo cũng dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào công nhân và Công đoàn; trong xây dựng quan hệ đoàn kết giũa giai cấp công nhân Việt Nam với giai cấp công nhân trên thế giới… Các đại biểu cho rằng, đạo đức cách mạng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Bác Tôn là những giá trị lịch sử, là bài học lớn về công tác công vận và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Điểm lại những cột mốc lịch sữ nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người công nhân ưu tú Việt Nam, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh bày tỏ sự trân trọng trước tinh thần yêu nước nồng nàn, phẩm chất đạo đức cao quí của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng. Đức tính chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ của Bác; lối sống bình dị, đạm bạc, thanh cao, chính trực, trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân… là một nhân cách lớn, là tấm gương sáng để giáo dục các thế hệ thanh niên công nhân hôm nay.
Tiến sĩ Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản rất xúc động kể lại những điều bình dị mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã làm. Đó là câu chuyện Bác dành tiền thưởng của mình cho các cháu thiếu nhi, câu chuyện Bác mặt áo nối khi trở về thăm quê hương để cho dân ấm no hạnh phúc... Tiến sĩ Phạm Đình Đảng chia sẻ: “Một cuộc đời như thế đã sinh ra ở Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã sinh ra con người như thế”, Người đã hiến dâng cuộc đời cho đất nước, cho quê hương. Bác Tôn đã để lại những giá trị to lớn về bài học đạo đức, lý tưởng cách mạng; về chân dung của vị lãnh đạo khiếm tốn, giản dị, nói ít, làm nhiều, bài học muốn đi tới phải biết nhìn về phía trước…
Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo tỉnh An Giang, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham luận ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trung Tá Mai Hữu Thành, Phó Chính ủy Tổng Công ty Ba Son dẫn chứng việc tổ chức, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Ba Son (năm 1925) đã đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào công nhân Việt Nam. Cuộc đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu kinh tế đòi tăng luơng, giảm giờ làm, thu nhận các công nhân trở lại làm việc đã gây tiếng vang trong giai cấp công nhân quốc tế. Cuộc đình công đã nói lên trình độ tự giác, ý thức tổ chức, tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao các tham luận đã thể hiện sự nghiêm túc trên cơ sở nguồn tư liệu lịch sử phong phú, làm sáng tỏ hơn thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Các tham luận không chỉ có giá trị về học thuật mà còn là sự bày tỏ tình cảm kính trọng, sâu sắc, niềm tự hào và sự tri ân của thế hệ đi sau đối với nhà lãnh đạo xuất sắc, đáng kính.
Nói về sự lựa chọn lý tưởng, con đường cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Giáo sư Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho rằng, đây là sự lựa chọn hợp qui luật, bắt nguồn từ sự thông tuệ của một người nồng nàn yêu nước, thương dân. Đó là sự lựa chọn tự nguyện của trái tim, một trí tuệ vượt trội của giai cấp công nhân, mở đầu cho một lý tưởng cộng sản, con đường yêu nước vì lợi ích của giai cấp, lợi ích của dân tộc.
Bằng lý luận thực tiễn, Giáo sư Tiến sĩ Phùng Hữu khẳng định Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người công sản tiêu biểu của giai cấp công nhân tiên phong; Người là một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức và là bài học sâu sắc đối với Tổ chức Công đoàn.
Bài học của Người là sự kiên định, giữ vững lập trường giai cấp công nhân; là giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân; là gắn bó máu thịt giữa Tổ chức Công đoàn với công nhân… Cán bộ Công đoàn hôm nay cần phải tự hoàn thiện mình để thật sự thu hút, thuyết phục, vận động giai cấp công nhân. Tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để khẳng định là tổ chức duy nhất chăm lo, bảo vệ người lao động để góp phần hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước và giai cấp công nhân Việt Nam.
 Thanh Vũ (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.