(GLO)- Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 30-9, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) đã bế mạc. Trước đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 4 dự thảo nghị quyết, 1 chương trình hành động của Tỉnh ủy và một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.
Nhiều ý kiến tâm huyết
Hội nghị đã thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến đối với 4 dự thảo nghị quyết và 1 chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI gồm: Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030; Nghị quyết về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030; Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn |
Căn cứ Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, phân công các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tế; dự thảo các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan và xem xét, thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến.
Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề ra những giải pháp mang tính khả thi cao để hoàn thiện và sớm ban hành các nghị quyết, chương trình hành động. Từ đó, làm cơ sở để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tấn Thi |
Đa số đại biểu đều cho rằng cần ban hành các nghị quyết, chương trình hành động và đánh giá cao quy trình chuẩn bị công phu, chặt chẽ đối với dự thảo. Tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ Phan Quang Thái nhìn nhận: Kết cấu hạ tầng được chia thành 2 loại là kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội. Vì vậy, chúng ta nên xem xét lại là đang hướng đến phát triển loại kết cấu nào để từ đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị ở các vùng kinh tế động lực để tạo đà phát triển cho các địa phương khác; ban hành quy chế phối hợp giữa các vùng kinh tế động lực để kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ cũng đề nghị bổ sung thêm vào Nghị quyết về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 các giải pháp liên quan đến việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; kêu gọi đầu tư vào khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, sàn giao dịch thương mại, trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn và có uy tín…
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng: Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khi được ban hành sẽ tạo ra sự phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực. “Theo tôi, tỉnh cần quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong khu vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn để tạo nên sự phát triển bền vững. Bởi lẽ, 70% dân số của tỉnh là nông dân. Về các nhóm giải pháp ưu tiên, tỉnh nên chọn ra ít nhất 1 doanh nghiệp tiên phong trở thành “doanh nghiệp số” trên các lĩnh vực; đồng thời chú trọng thực hiện chuyển đổi số ở những lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng, thế mạnh”-PGS-TS. Nguyễn Danh đề xuất.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tấn Thi |
Liên quan đến các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo, y tế trong Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh trăn trở: Về chỉ tiêu tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đề ra đến năm 2025 ở bậc mầm non và tiểu học, tôi hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, ở bậc THCS phải đạt 95% và THPT đạt 60% là tương đối cao và khó thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh mới đạt 85,5% ở bậc THCS, còn bậc THPT chỉ 34,7%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% vào năm 2025 cũng rất khó. Bởi lẽ, vừa qua, dưới tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh giảm mạnh từ 82% xuống còn khoảng 60%. Để thực hiện các chỉ tiêu này, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, tỉnh cần bổ sung thêm giải pháp về chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh tham gia góp ý dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Ảnh: Tấn Thi |
Tiếp tục góp ý hoàn thiện các dự thảo
Bên cạnh những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ và trách nhiệm, tiếp tục góp ý để hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, chương trình hành động. Trước băn khoăn của một số đại biểu về nội dung cụ thể trong các nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: Nghị quyết chỉ là định hướng, chủ trương. Sau khi được ban hành, trên tinh thần nghị quyết, các sở, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, kế hoạch trong giai đoạn 5 năm, 10 năm để tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho rằng, các đại biểu cần lưu tâm góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vì đây là vấn đề mới, khó, mang tính kỹ thuật và chuyên môn cao. Về một số ý kiến của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý: “Thời gian qua, đâu đó chúng ta vẫn chạy theo bệnh thành tích. Điển hình như việc đánh giá, công nhận xã nông thôn mới có nơi vẫn chưa thực chất. Chúng ta phải làm sao cho đúng với mục tiêu của chương trình đề ra là thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu. Ảnh: Tấn Thi |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của 4 nghị quyết được cụ thể hóa từ 4 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đồng chí đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, tiếp thu, hoàn chỉnh; cần thiết sẽ trình lại Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến trước khi ban hành. Trên cơ sở các nghị quyết, chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, chương trình hành động theo từng lĩnh vực, ngành. Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo các nghị quyết, chương trình hành động phải thật sự đi vào cuộc sống.
“Điều quan trọng nhất là bố trí nguồn lực như thế nào? Tránh để xảy ra tình huống nghị quyết ban hành được đánh giá cao nhưng cuối cùng lại không có nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là nghị quyết được bổ sung trong năm 2021 và đã xin ý kiến các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Muốn thực hiện tốt nghị quyết này, chúng ta phải có nguồn lực để triển khai thực hiện, phải có máy móc, phương tiện đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, các đồng chí cần tham gia góp ý thêm trước khi thông qua Nghị quyết và triển khai thực hiện. Về chương trình hành động, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu các ý kiến tham gia tại hội nghị về số liệu, mục tiêu, chỉ tiêu… để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
HỒNG THI - QUANG TẤN