Học sinh Pleiku chia sẻ yêu thương với người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bên cạnh hoạt động dạy học, nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) còn tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp học sinh bồi đắp tình cảm, sự gắn kết cũng như học cách cho đi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hơn nửa tháng qua, Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương) luôn rộn ràng trong không khí “Gắn kết yêu thương”. Hàng trăm bộ quần áo, giày dép, mũ ấm, đồ chơi, gấu bông… đã được cô trò quyên góp để gửi tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Kông Chro trước thềm Tết Nguyên đán.

Vừa giúp cô giáo phân loại quần áo, bé Nguyễn Ngọc Hà My (lớp Lá 3) vừa hào hứng khoe: “Con đem đến trường nhiều đồ chơi, quần áo để tặng các bạn. Tất cả đều là của con, lành lặn và sạch sẽ. Con rất vui khi góp phần giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Cô trò Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) kiểm tra, phân loại quần áo cũ để chuẩn bị trao tặng cho trẻ em vùng khó ở huyện Kông Chro. Ảnh: M.T

Cô trò Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) kiểm tra, phân loại quần áo cũ để chuẩn bị trao tặng cho trẻ em vùng khó ở huyện Kông Chro. Ảnh: M.T

Theo Hiệu trưởng Trần Thị Thủy, 10 năm trở lại đây, nhà trường đều tổ chức các hoạt động từ thiện, tạo sự gắn kết yêu thương, sẻ chia giữa trẻ mầm non vùng thuận lợi với vùng khó khăn. Riêng năm học này, phong trào được phát động từ cuối tháng 12-2023 đến giữa tháng 1-2024; thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em và phụ huynh.

Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tập hợp được 335 chiếc áo ấm mới, 15 thùng đồ ấm, 10 thùng quần áo cũ mùa hè, 2 thùng giày dép, 1 thùng đồ chơi và gấu bông, 17 thùng sữa, 9 thùng mì gói, 20 kg gạo cùng 4,5 triệu đồng.

“Ngoài quyên góp để tặng trẻ em trên địa bàn huyện Kông Chro, sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức cho khoảng 20 trẻ 5 tuổi đại diện đến giao lưu, tặng quà cho các bạn tại xã Gào và xã Ia Kênh (TP. Pleiku).

Được trải nghiệm thực tế, các bé sẽ hiểu được ý nghĩa của việc cho đi và sẵn sàng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi hơn mình, từ đó, dần hình thành hành vi tốt và lan tỏa lối sống đẹp”-cô Thủy cho biết.

Tương tự, những năm qua, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn) cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện do Liên Đội phát động. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình “Vòng tay bè bạn” và phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường”.

Cô Đặng Thị Thủy-giáo viên Tổng phụ trách Đội-thông tin: Phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường” thường được các lớp triển khai thực hiện vào dịp đầu năm học mới nhằm hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Qua phong trào này, mỗi năm, nhà trường đã giúp đỡ 80 học sinh với số tiền gần 30 triệu đồng. Riêng chương trình “Vòng tay yêu thương”, Liên Đội phát động vào tháng 12 để quyên góp đồng phục, áo ấm, nhu yếu phẩm, vở trắng… tặng cho học sinh ở các trường vùng khó, giúp các em có thêm điều kiện đến trường.

Mới đây, nhà trường đã huy động được hơn 700 chiếc áo ấm để tặng thiếu nhi làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku); 800 áo ấm, đồng phục quần xanh-áo trắng, 20 thùng mì gói, 400 quyển vở cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh); 50 thùng mì gói cho người dân xã Gào; 15 thùng mì gói, 100 quyển vở trắng cho trẻ em xã Ia Kênh; đồng thời, dành tặng 30 thùng mì gói và 300 quyển vở trắng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

“Kết quả từ các hoạt động thiện nguyện đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, phát huy hiệu quả phong trào “Bạn giúp bạn” trong đội viên, thiếu nhi. Thông qua hoạt động ý nghĩa này, nhà trường mong muốn giáo dục và tạo dựng trong học sinh tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn; đồng thời, có thêm niềm vui khi làm việc thiện”-cô Thủy cho hay.

“Mỗi khi nhà trường phát động phong trào, em đều tích cực tham gia. Trong số đó, em thích nhất là các hoạt động từ thiện vì nó giúp em hiểu hơn về những số phận xung quanh. Ngoài tham gia làm từ thiện tại trường, vừa qua, em cũng trao tặng 10 triệu đồng cho nhà thờ Thăng Thiên (TP. Pleiku) để có thêm kinh phí nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Đây là số tiền em tích góp từ những giải thưởng học tập đã đạt được”-em Vũ Hoàng Nam (lớp 5/2) chia sẻ.

Qua 8 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) “Điều ước thứ 7” là nơi tập hợp những học sinh có tấm lòng thiện nguyện của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Một số chương trình, dự án nổi bật của CLB có thể kể đến như: “Trao yêu thương-Tết đong đầy”, “Trung thu cho em”, “Hoa”…

Hoạt động chủ yếu của CLB là gây quỹ và kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân để trao tặng các phần quà đến với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và kém may mắn trong cuộc sống. Số tiền gây quỹ có thời điểm trên 20 triệu đồng.

Em Nguyễn Hà Bảo Khanh (bìa phải, lớp 11C1) cùng thành viên CLB “Điều ước thứ 7” trong một hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Hà Bảo Khanh (bìa phải, lớp 11C1) cùng thành viên CLB “Điều ước thứ 7” trong một hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Hà Bảo Khanh (lớp 11C1, Chủ nhiệm CLB) tâm sự: “Em tham gia CLB từ năm học lớp 10. Anh của em cũng từng là thành viên của CLB và là người truyền cảm hứng để em yêu thích rồi gắn bó với những hoạt động thiện nguyện.

Thời gian qua, CLB luôn tìm cách để gây quỹ được nhiều nhất với mục tiêu giúp đỡ được nhiều người hơn. Ở độ tuổi học sinh, chưa chủ động được về tài chính lẫn sự uy tín nên trong quá trình hoạt động thiện nguyện, chúng em gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chúng em được nhà trường, thầy cô và gia đình ủng hộ; các thành viên CLB đoàn kết, đồng tâm và luôn có trái tim ấm áp yêu thương.

Theo cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương, ngoài CLB “Điều ước thứ 7”, học sinh của trường còn tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nguyện khác. Nhiều em ở góc độ cá nhân cũng ủng hộ, quyên góp rất nhiều quần áo cũ, gạo, tiền mặt… để trao tặng cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán hay các chương trình “Áo ấm cho em”, “Mùa xuân chiến sĩ”…

“Thông qua hoạt động thiện nguyện giúp học sinh bồi dưỡng về nhân cách, hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ trong học tập lẫn cuộc sống. Các em cũng sẽ học được cách cho đi và hiểu rằng cho đi là còn mãi”-cô Vui nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.