Sống vui, sống khỏe, sống có ích vì mọi người là điều mà ông Lê Đức Lâu luôn hướng đến để mỗi ngày đều thực sự ý nghĩa, hạnh phúc. Ông luôn quan niệm, cuộc đời ngắn chẳng tày gang, sống trọn vẹn hết mình để mỗi ngày trôi qua không phí hoài tuổi trẻ và tiếc nuối vô vọng.
Tôi biết ông Lê Đức Lâu qua một số chuyến đi thiện nguyện và các đợt tổ chức HMTN do TP. Pleiku tổ chức. Ấn tượng của tôi về ông là một tình nguyện viên nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động, tác phong nhanh nhẹn, nói ít làm nhiều. Dù công việc có bận rộn thế nào, ông vẫn luôn giữ nụ cười thường trực trên môi, hòa nhã và thân thiện với mọi người.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật ở xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) nên từ nhỏ, ông Lâu học được từ cha mình-một huấn luyện viên võ thuật-những bài học quý giá. Ông chia sẻ: “Tôi học được từ cha đức tính nhẫn nại, ôn hòa trong mọi việc và lấy chữ tâm, chữ đức làm đầu”.
Năm 1987, trong một lần dẫn đội đến thi đấu võ thuật tại Pleiku, thấy nơi đây có khí hậu ôn hòa, con người thân thiện và là mảnh đất có điều kiện thuận lợi phát triển cây công nghiệp nên cha ông quyết định chọn làm quê hương thứ 2.
Năm 1995, ông Lâu tham gia HMTN lần đầu tiên. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, giúp ích cho nhiều bệnh nhân trong lúc nguy cấp, từ đó, ông đều đặn tham gia các đợt hiến máu do địa phương tổ chức. Đến nay, ông đã trải qua 41 lần HMTN (31 lần hiến máu toàn phần và 10 lần tham gia hiến tiểu cầu). Ông tâm sự: “Bất kể lúc nào nếu bệnh nhân cần máu cấp cứu và phù hợp với điều kiện của mình là tôi sẵn sàng hiến máu. Máu rất cần cho người bệnh cấp cứu, chỉ cần chậm trễ không được truyền máu kịp thời thì người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Có lần nghe thông tin cần tiểu cầu máu nhóm B, tôi đã chạy từ Gia Lai lên Kon Tum để hiến tiểu cầu cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Sau đó, người bệnh đã qua cơn nguy kịch”.
Không chỉ bản thân chủ động tham gia HMTN, ông Lê Đức Lâu còn tích cực vận động người thân, bạn bè (với trên 1.000 trường hợp) cùng tham gia; trong đó, vợ ông có 6 lần HMTN, em trai 9 lần hiến máu toàn phần và hiến máu cấp cứu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, ông Lâu luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ 24/24 giờ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân y 211 và các bệnh viện trên địa bàn khi cần huy động máu để cấp cứu bệnh nhân. Đồng hành cùng chồng trong những hoạt động thiện nguyện.
Là một trong những người bạn đồng hành thân thiết, anh Bùi Tá Tri (tổ 3, phường Đống Đa, TP. Pleiku) nhận xét: “Tôi vẫn hay nói đùa anh Lâu là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì anh sẵn sàng gác lại chuyện nhà để hỗ trợ người khác mà không cần báo đáp. Anh cũng là người kết nối các thành viên trong nhóm, là người truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Vì vậy, ai cũng yêu thương, quý mến”.
Không chỉ là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, ông Lâu còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngôi nhà yêu thương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai. Thêm các chức danh cũng đồng nghĩa thêm công việc dù chẳng có trợ cấp gì nhưng ông luôn sẵn sàng.
Nhiều trường hợp khó khăn nhờ ông Lâu làm cầu nối huy động Mạnh Thường Quân chung tay hỗ trợ đã vượt qua hiểm nguy, ngặt nghèo. Bản thân ông Lâu cũng không nhớ mình đã trợ giúp cho bao nhiêu người nhưng ngược lại, mỗi một trường hợp được ông giúp đỡ luôn ghi nhớ, trân trọng. Trao đổi với tôi qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) kể lại: “Lúc trước, vợ chồng tôi ở TP. Pleiku làm thuê kiếm sống, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Năm 2014, tôi sinh đôi, trong đó có 1 cháu không may bị dị tật bẩm sinh không có hậu môn. Biết được hoàn cảnh của gia đình tôi, anh Lâu và nhóm thiện nguyện đã kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Anh giúp gia đình làm hồ sơ, thủ tục để con trai tôi được đưa vào TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Qua 2 lần phẫu thuật, chi phí gần cả trăm triệu đồng, con trai tôi đã được tái sinh lần nữa. Hiện nay, cháu đã vào lớp 4, nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Gia đình tôi luôn biết ơn anh Lâu nhiều lắm. Anh ấy là một người tốt hiếm có”.
Một trường hợp khác là bé Nguyễn Thị My (SN 2016, tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Bé My bị bệnh tim bẩm sinh. Năm 2018, bệnh tình của My nguy kịch, gia đình được người quen giới thiệu đã gọi điện nhờ ông Lâu giúp đỡ. Nhận cuộc gọi của gia đình, ông Lâu đã xuống tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh và kết nối các Mạnh Thường Quân hỗ trợ và làm các thủ tục giúp cháu My phẫu thuật kịp thời với chi phí 120 triệu đồng. “Chú Lâu hỗ trợ gia đình tận tình. Nhờ chú mà em tôi qua cơn nguy kịch. Hiện nay My đã học lớp 2, sức khỏe ổn định. Gia đình tôi rất quý chú Lâu và biết ơn chú nhiều lắm”-chị Lê Thị Trinh Nữ (chị của bé My) xúc động kể.
Vừa công việc gia đình vừa công tác xã hội nên thời gian đối với ông Lâu dường như không đủ. Với vai trò đầu tàu Câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai, thường trực đường dây nóng của Câu lạc bộ, nhiều đêm đang ngon giấc, ông Lâu và các thành viên khi nhận điện thoại khẩn cấp là nhanh chóng lên đường hỗ trợ. Sau 2 năm đi vào hoạt động, SOS Gia Lai đã tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi nhờ hỗ trợ do gặp sự cố giao thông. Riêng Câu lạc bộ thiện nguyện Ngôi nhà yêu thương ra mắt vào năm 2019, đến nay đã hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở và vận động kinh phí thực hiện các hoạt động thiện nguyện trên 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay, ông Lâu đang lập kế hoạch thực hiện một đêm nhạc gây quỹ từ thiện mua xe cứu thương 0 đồng. “Đêm nhạc dự kiến tổ chức cuối năm nay với hy vọng vận động từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng để mua xe cứu thương nhằm hỗ trợ xử lý tai nạn giao thông, vận chuyển cấp cứu. Kinh phí kêu gọi lớn nên việc tổ chức một đêm nhạc phải xứng tầm. Chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng tôi và anh em đều quyết tâm, không nản lòng và tin tưởng mọi việc sẽ thành công”-ông Lâu chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu