“Thỉnh thoảng, khi nghĩ lại về những ngày tháng đã qua của cuộc đời mình và những gì có được trong hiện tại tôi không khỏi xúc động…”- chị Nguyễn Thị Diệu Lý- chủ shop hoa lan Ty Ty (5A, Phan Đình Phùng, TP. Pleiku, Gia Lai) nói. Ít ai biết rằng, trước khi tạo dựng được vườn lan có “thương hiệu” tại Phố núi này, chị từng có những ngày rất cơ hàn. Bằng bản lĩnh và sự quyết đoán, chị đã tự xoay chuyển cuộc đời tưởng chừng cơ cực không dứt của mình.
Những ngày cay cực
“Mình đã từng đi bán mít, bán dưa hấu, chuối luộc ở bến xe cũ, bán nước mía ở sân vận động. Khoảng năm 1976-1977, Công ty Xổ số Kiến thiết Gia Lai ra đời, vậy là mình đi bán vé số”-chị nhớ lại. Gia đình chị lúc ấy có đến 9 anh chị em, ba làm công nhân cầu đường, mẹ buôn bán, gia cảnh đã khó càng thêm khó. Vừa rong ruổi bán dạo ở chợ, bến xe, vừa bán vé số, chị vẫn dành một buổi đến lớp và học rất giỏi nhưng rốt cuộc phải nghỉ giữa chừng vào năm lớp 5 vì cái nghèo cứ đeo bám ráo riết. 16 tuổi, Diệu Lý chính thức theo ba đi làm… thợ hồ. Phụ hồ riết, chị “lấn sân” sang làm thợ, sau đó nhận nhà làm luôn. “Chủ yếu là làm công trình phụ, sơn nhà, những phần khác mình phải thuê thợ”- chị kể. Tiếp đó, chị cũng nhận bàn ghế xa-lông về đánh véc-ni kiếm tiền.
Ảnh: Phương Duyên |
Một ngày, chị bất chợt đi ngang một sân tập và thấy người ta đang chơi cầu lông, không dưng chị thấy mê môn này quá nên bèn… đi sắm một cặp vợt. Công việc vất vả, khó khăn là vậy nhưng cứ chiều đến là chị ra sân tập. Và, môn thể thao quần chúng này đã ngẫu nhiên tạo ra bước ngoặt trong đời chị: Năm 1994, chị được chọn đi thi đấu giải dành cho công nhân viên chức và người lao động ở Huế, kết quả là… thua sát ván. Quyết tâm tập luyện, học thêm nhờ quan sát ở các giải đấu lớn và qua băng đĩa, 3 năm sau chị cùng đồng đội giành giải nhất đôi nữ tại TP. Quy Nhơn. Đến giờ chị đã có bộ sưu tập hàng chục huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải đấu trong và ngoài tỉnh. Được biết tiếng qua các thành tích trên, mấy năm liền sau đó, chị trở thành “huấn luyện viên” cầu lông cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT- Chi nhánh TP. Pleiku, Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Gia Lai, Công ty Quản lý Đường bộ Gia Lai, các lớp trong hè cho học sinh…
Thăng trầm với hoa
Năm 2001, nhờ thành tích thể thao, chị được Công ty Quản lý đường bộ Gia Lai tuyển làm nhân viên Trạm thu phí Chư Á (TP. Pleiku). Cuối năm, chứng kiến những chuyến xe chở hoa Tết lên Pleiku, một ý nghĩ bật ra trong đầu chị: Lâu nay Pleiku vẫn chưa có một shop hoa nào thực sự chuyên nghiệp trong khi kinh tế Gia Lai ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người dân ngày càng tăng. Vậy sao mình không làm?
Chị bèn sắp xếp một chuyến thực tế lên xứ hoa Đà Lạt tìm hiểu thông tin ở các nhà vườn, lần đó chị may mắn được… bán nợ và đem về giống địa lan Cimbidium, nữ hoàng của các loại lan; Tết, tranh thủ được nghỉ phép, chị lại lên Đà Lạt lấy hoa về bán. Năm 2003, chị xin nghỉ làm và vay vốn ngân hàng để bắt đầu dấn thân với loại hình kinh doanh lúc bấy giờ còn khá mới mẻ ở Gia Lai: Mở shop hoa lan Ty Ty kèm với… cà phê cóc để những người đến uống cà phê có thể ngắm hoa, nếu thích thì mua hoa. Cho đến giờ đây vẫn là “mô hình” cà phê hoa đầu tiên tại Gia Lai, sau cà phê báo, cà phê cờ…
“Lúc đầu ai cũng nghĩ là tôi sẽ thất bại”- Diệu Lý nói. Mà đúng là… thất bại thật. Tuy đã bắt đầu gây dựng được một vườn lan đẹp, sang trọng, đánh đúng tâm lý người chơi hoa nhưng 3 mùa Tết từ 2004 đến 2006, chị liên tục “lên bờ xuống ruộng” vì hoa Tết ế, có năm lỗ cả trăm triệu đồng, 2 giờ sáng mùng một Tết phải kêu xe ba gác chở hoa từ chợ hoa về mà rơi nước mắt. Từ mùa hoa Tết 2007, chị quyết định không gia nhập vào chợ hoa Tết mà bán hoa ngay tại cơ sở của mình để giảm chi phí vận chuyển và nhân công, khuyếch trương các gian hàng, trưng bày bắt mắt hơn, tôn vinh vẻ đẹp của các loại hoa lan bằng cách ra chậu độc đáo, tìm kiếm thêm những chủng loại hoa mới có giá mềm… Ngoài ra, chị còn phối hợp với nhà vườn Gia Lai cho ra những loại hoa chậu đẹp không thua kém gì hoa Đà Lạt như hoa chuông, hoa cúc... Và, thành công đã đến với chị.
Với chị, hoa không chỉ là hàng hóa; hoa còn là niềm đam mê, không đam mê thì không thể “sống chết” với hoa, chăm chút từng chậu hoa, trân trọng từng vẻ đẹp. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến cách sống của chị. Nói về tuổi thơ lăn lê ở chợ trời, bến xe, chị tâm sự: “Mình đã quá khổ, học ở trường đời là chính, đã chứng kiến nhiều điều tốt đẹp và cũng không ít chuyện ẩu đả, không hay. Nhưng cái xấu mình bỏ đi, cố gắng gìn giữ lại cái đẹp đẽ trong cuộc sống này…”.
Với xuất phát điểm là con số 0, chị đã phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để đạt được những mơ ước của đời mình. Và nếu có thể ví người phụ nữ này- chủ nhân của một shop hoa lan có tiếng- với một loài hoa thì đó chỉ có thể là hoa xương rồng, loài hoa chỉ bung cánh đẹp đẽ từ nắng, gió, gai góc và khô khát đời thường.
Phương Duyên