Hoa sữa nơi lưng chừng đèo Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong một dịp gặp gỡ các bạn viết ở Hà Nội, khi biết tôi là người Gia Lai, có anh bạn hỏi một câu rất bất ngờ: “Cái con đèo Mang Yang trên ông, không hiểu sao lại có hàng cây hoa sữa đẹp thơ mộng như những con đường ở Hà Nội?”.

“À, là hồi trước có anh giám đốc lâm trường ở đất ấy kỳ công cho trồng đấy”. “Ồ ra thế! Sao lại có người giám đốc mộng mơ đến vậy nhỉ?”-anh bạn bày tỏ sự ngạc nhiên.

Tôi liền giải thích: “Ông ấy là giám đốc lâm trường nhưng lại như một nghệ sĩ thực thụ, mê nhiếp ảnh, mê hoa”. “Nhưng lại là hoa sữa trên đường đèo thì quá lạ, có chút gì đó như mô phỏng Hà Nội!”. “Đó lại là cả một câu chuyện đầy lãng mạn anh ạ!”.

Tôi trả lời rồi kể vắn tắt chuyện trồng hoa sữa trên đèo Mang Yang của anh Lê Việt Hào. Nghe xong, anh bạn tấm tắc: “Hóa ra nó như trong tiểu thuyết vậy”.

Còn nhớ, khi được phân công đảm trách chức vụ giám đốc lâm trường dưới chân đèo hiểm trở ấy, anh Lê Việt Hào đã dành nhiều thời gian cho việc trồng cây gây rừng. Đặc biệt, bên con đường đèo Mang Yang, anh đầu tư trồng những hàng hoa sữa.

Có lần tôi cũng hỏi anh Hào y như câu hỏi mà bạn văn đã nêu. Anh Hào cười cười nói đại ý, thấy con đèo khủng khiếp quá, tai nạn nhiều quá, muốn trồng loài hoa ấy cho nó nhẹ nhõm đi, để người qua lại thêm tự tin, bớt đi tâm lý lo âu, bớt đi tai ương!

Hồi ấy, đường đèo Mang Yang còn chật hẹp, khúc khuỷu quanh co, ta luy âm thăm thẳm, mùa khô cỏ cháy trọc lóc, tài xế lên xuống cứ ngờm ngợp. (Trước 1975, đây là hành lang liên lạc của những người kháng chiến, địch rải rất nhiều chất độc hóa học thiêu rụi hết mọi loài cây). Nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra ở con đèo này. Nó trở thành nỗi kinh hoàng cho những chuyến xe mỗi khi qua đèo.

Sau này, có lần tôi nghe anh chị em công nhân nói, anh Hào rất yêu và nhớ Hà Nội nên cho trồng cây hoa sữa trên đường đèo. Mà nếu có vậy thì cũng đúng thôi! Anh Hào tập kết ra Bắc, nhiều năm sống ở Hà Nội, rồi học Đại học Bách khoa, sau lại yêu người con gái Hà Nội, rồi nên vợ nên chồng. Vậy nên, thế nào cũng có những kỷ niệm về tình yêu vương vấn chút hương thơm nồng của hoa sữa.

Một thời gian thì vợ anh lâm trọng bệnh qua đời, để lại cho anh bao nhiêu là tiếc thương nhung nhớ! Hoa sữa, cũng vì thế sẽ mãi là kỷ niệm, khiến anh nhớ về một thời Hà Nội, về tình yêu đôi lứa khắc khoải trong tim! Để hôm nay, chúng ta có một chút mộng mơ về đường hoa sữa Hà thành trên nẻo đường đèo hút gió Tây Nguyên.

Không biết từ bao giờ, hoa sữa đã trở thành nét đặc trưng của Hà Nội. Hoa sữa đã đi vào rất nhiều tác phẩm của giới văn nghệ sĩ. Có lẽ trong chúng ta không ai là không biết đến bài thơ “Hoa sữa” của cố nhà thơ Nguyễn Phan Hách: “Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc/Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/Vậy mà tan trong sương gió mong manh...”. Sau này, nhạc sĩ Thế Duy đã phổ nhạc thành ca khúc “Mối tình đầu” được rất nhiều người yêu thích: “Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ/Tóc em dài như gió mùa thu/Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ/Theo năm tháng em lớn từng ngày/Những kỷ niệm không bao giờ phai...”. Hay như bài hát “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em…”.

Bây giờ, giữa lưng chừng đèo Mang Yang, cây hoa sữa đã vươn cành xanh lá đơm hoa. Loài hoa ấy cứ lâng lâng nửa như hoa rừng hoang dã, nửa như hoa cảnh ven đường. Bao nhiêu năm tháng qua đi, nó âm thầm làm dịu những chặng đường đèo khốc liệt, làm an lòng những người lái xe, mát lòng lữ khách mỗi dịp ngang qua. Hoa sữa đã neo vào ký ức của những người lên đèo về với Tây Nguyên, như anh bạn tôi từng bị hương hoa sữa ở lưng đèo ấy mê hoặc.

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.