Hiệu quả từ mô hình nuôi gà mía an toàn sinh học ở Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 4 tháng triển khai, mô hình “Nuôi gà mía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học” tại xã Hòa Phú (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) giúp nông dân có thêm thu nhập và mở ra hướng chăn nuôi an toàn, vệ sinh.
Anh Rơ Châm Khoan (làng Hreng) cho biết: Gia đình anh được cấp gần 500 con gà mía giống và hỗ trợ một phần thức ăn, thuốc phòng bệnh. Đồng thời, anh được tập huấn kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. “Tham gia mô hình, tôi biết cách phòng bệnh cho gà, đặc biệt là rải trấu làm nền chuồng gà. Sau khi nuôi 7-10 ngày, tôi trộn men sinh học vào trấu nên giảm được mùi hôi và hạn chế được mầm bệnh gây hại cho gà. Nhờ đó, sau 4 tháng nuôi, đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít phải sử dụng kháng sinh và đạt trọng lượng 1,7-2,2 kg/con. Với giá bán 70-80.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng”-anh Khoan bày tỏ.
Tương tự, gia đình anh Vũ Đình Bình (làng Bối) cũng có thêm nguồn thu nhập từ việc tham gia mô hình nuôi gà. Anh cho biết, trong số 700 con gà giống được cấp, có một số con bị chết là do lúc mới nuôi nhốt mật độ gà con khá dày, chúng giẫm đạp lên nhau; số còn lại sinh trưởng khỏe mạnh và không có dấu hiệu dịch bệnh.
Đặc biệt, để gà chắc, khỏe và thịt thơm ngon, anh Bình chỉ cho gà ăn cám công nghiệp trong khoảng 1 tháng đầu khi gà còn nhỏ. Sau đó, anh cho ăn thân cây chuối cắt nhỏ trộn với cám bắp, cám gạo và thả trong vườn cây ăn quả. Nhờ vậy, sau 4 tháng, đàn gà đạt trọng lượng 1,7-3,5 kg/con. Với giá bán 90.000 đồng/kg, dự tính gia đình thu gần 100 triệu đồng.
“Theo tôi, gà nuôi thả vườn cần duy trì mật độ 200 con/sào. Nếu nuôi chuồng thì chỉ nên duy trì 5 con/m2 và cần gác giàn cho gà đậu. Đồng thời, phải xử lý nền chuồng bằng cách trộn men sinh học với trấu để hạn chế mùi hôi, các loại nấm mốc, mầm bệnh”-anh Bình cho hay.
Nhờ nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà của gia đình anh Vũ Đình Bình (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Hồng Thương
Nhờ nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà của gia đình anh Vũ Đình Bình (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Hồng Thương
Sau khi tham gia mô hình, anh Bùi Duy Toàn (thôn 4) cũng nhận ra rằng việc làm chuồng đảm bảo thoáng mát về mùa khô, ấm về mùa mưa và nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học cũng giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh. “Tôi được cấp 300 con gà giống. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên tôi biết cách phòng bệnh cho gà. Nhờ vậy, tỷ lệ gà hao hụt ít. Bên cạnh đó, việc sử dụng men hoạt tính trộn vào thức ăn giúp gà tiêu hóa tốt, nhanh lớn và giảm được mùi hôi của phân gà”-anh Toàn chia sẻ.
Bà Phùng Thị Thảo-cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho biết: Mô hình “Nuôi gà mía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học” triển khai tại xã Hòa Phú có 3 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện trên 136,5 triệu đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 99 triệu đồng, còn lại do người dân đối ứng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ tổng cộng 1.525 con gà giống, một số thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.
Qua 4 tháng triển khai, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ gà sống đạt 90%, trọng lượng bình quân đạt 1,8-2 kg/con. Bán với giá trung bình 75.000 đồng/kg, lợi nhuận các hộ thu được gần 62 triệu đồng/500 con gà.
“Hiệu quả mô hình không chỉ giúp các hộ dân có thêm thu nhập mà còn thay đổi nhận thức, phương pháp nuôi gà, đặc biệt là biết tận dụng phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí; đồng thời, biết cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã để tổng kết, nhân rộng mô hình này”-bà Thảo cho hay.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.