Hành trình tầm nã kẻ giết người, trốn trại giam 36 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

36 năm trốn lệnh truy nã về tội giết người, Thấn có tới ba người vợ và năm người con. Đêm 31-5, người này đã tra tay vào còng.

Cách đây 41 năm, một vụ giết người gây xôn xao dư luận tại quê lúa An Nhơn (Bình Định).


Cái chết rúng động quê nghèo

Ngày 28/9/1977, Nguyễn Ngọc Thấn (sinh năm 1958, tên gọi khác Cu chai, ngụ tại xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định) về nhà anh ruột là Nguyễn Ngọc Xuân. Sau khi hai anh em ăn cơm xong, Xuân bàn với Thấn đến nhà bà Lê Thị Tẩu trộm cắp tài sản. Nếu bà Tẩu còn thức thì giết người phụ nữ để cướp tài sản. Thấn đồng ý.

Khoảng 20 giờ ngày 28/9/1977, hai anh anh họ đến nhà bà Tẩu để thực hiện phạm tội. Trước khi đi Xuân có mang theo tiền, đến nơi nếu bà Tẩu còn thức thì giả vờ mua thuốc lá, nhân lúc bà Tẩu sơ hở thì giết để cướp của. Thấn nói: "Tùy cơ ứng biến".

Hai anh em đến nhà bà Tẩu thấy bà đang nấu cơm ở nhà bếp. Bà Tẩu hỏi: “Hai anh em bay đi đâu vậy?". Thấn trả lời: “Con đi mua thuốc lá”. Bà Tẩu nói thuốc lá không còn, lúc bấy giờ Xuân giả vờ ngồi ngay tại cửa buồng xuống bếp, còn Thấn thì ngồi tại cửa ngoài bước vào bếp và cùng nhau nói chuyện với bà Tẩu.


 

Nguyễn Ngọc Thấn
Nguyễn Ngọc Thấn

Sau khi bà Tẩu ăn cơm xong lên nhà trên thì Xuân đứng dậy đi theo, còn Thấn ra ngoài xem xét tình hình. Lúc này bà bảo hai người về đi vì đêm đã khuya. Khi bà xuống nhà dưới thì Xuân lập tức dùng hai tay ở phía sau ôm choàng bóp cổ và đè bà xuống nền nhà. Thấn ở ngoài chạy vào đè lấy hai chân bà không cho giãy giụa.

Xuân vẫn tiếp tục bóp chặt cổ bà Tẩu và bảo Thấn đi tìm dây để buộc vào cổ nạn nhân. Thấn đưa hai chân bà bỏ lên giường và chạy đi lấy một đoạn dây dài to bằng ngón tay út đem đến. Xuân buông tay thấy bà này đã tắt thở, nhưng sợ sống dậy nên lấy dây dừa buộc cổ theo kiểu thắt nút.

Gây án xong, Xuân khiêng đầu, Thấn khiêng hai chân, lật xác nạn nhân lục soát trong người bà Tẩu tìm tài sản nhưng không có gì, chỉ tìm được hai chiếc chìa khóa. Để tránh bại lộ, chúng lấy chăn, đắp xác nạn nhân rồi cùng nhau mở tủ để tìm tài sản.

Chúng mở tủ thấy một chiếc va ly mở ra để tìm vàng, bạc nhưng không có, chúng chỉ lấy được một áo len màu xanh, một áo dài, một áo vải, hai cái quần đen, một đèn pin và hai đồng bạc. Xong chúng lục soát khắp nhà, lục cả phi thóc để lấy được… 24 kg thóc và 5 kg gạo.

Khoảng 23 giờ ngày 28/9/1977, chúng đem các vật đã cướp được giấu vào thùng phi rồi thay quần áo đi ngủ, vợ con không hay biết gì. Sáng hôm sau, Xuân bảo Thấn đến nhà người anh ruột Nguyễn Tấn mượn thuyền nhưng anh Tấn không cho. Chúng lén lấy thuyền rồi đem các đồ đã cướp đến chợ Bình Định (TX An Nhơn hiện nay) bán cho bà Lê Thị Trình, người buôn đồ cũ, bán 1 áo len màu xanh, 1 áo dài vải, 1 áo cụt vải, 2 quần màu đen được tất cả 80 đồng.

Gần một năm sau, tại bản án sơ thẩm số 31 ngày 18/7/1978 của TAND tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định), HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Xuân tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Nguyễn Ngọc Thấn 18 năm tù về tội Giết người và Cướp tài sản.

Ngày 2/1/1979, Thấn đến chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an) ở huyện Hoài Ân, Bình Định. Tuy nhiên, ngày 4/6/1982 trong lúc lao động, lợi dụng sơ hở, Thấn trốn khỏi nơi giam cho đến nay.
Gã tội đồ có ba người vợ, năm người con

Dưới sự chỉ đạo của đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ - Giám thị Trại giam Kim Sơn và Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, nhiều lượt trinh sát của đội trinh sát đã lên hồ sơ, phương án trong nhiều năm, quyết tâm bắt cho bằng được kẻ giết người đã trốn tránh pháp luật suốt 36 năm qua.

Ngày 21/5, tổ công tác Trại giam Kim Sơn phối hợp cùng trinh sát Phòng Truy nã (PC52) Công an tỉnh Bình Định có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Gia Lai, Kon Tum… Tại Bình Định, một tổ công tác do một đội phó đội trinh sát (thuộc Trại giam Kim Sơn) cũng tiến hành xác minh các mối quan hệ người thân của Thấn.

Tại phía Nam, một tổ công tác do thượng tá Nguyễn Hữu Lợi - Trưởng Phòng PC52, Công an Bình Định trực tiếp chỉ huy đã tiến hành làm việc với bà Võ Thị Xô (đang tạm trú ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) là chị dâu của Thấn. Bà Xô đang mở bán quán nhậu lẩu bò tại xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).


 

Tổ công tác của Công an tỉnh Bình Định bắt giữ Thấn.
Tổ công tác của Công an tỉnh Bình Định bắt giữ Thấn.



Bà cho biết một năm về thăm quê một lần vào dịp Tết Nguyên đán và kể từ khi Nguyễn Ngọc Xuân (là chồng bà Xô) phạm tội Giết người, Cướp tài sản bị tử hình đến nay bà không biết Thấn ở đâu, làm gì, cũng không qua lại phía chồng ở tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định.

Sau khi tiếp xúc với các mối quan hệ của Thấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ công tác tiếp tục lên đường đến thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai) để tiếp lục làm rõ các đầu mối thông tin về người thân của Thấn. Tại đây các trinh sát đã tiến hành làm việc với bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, là em ruột của Thấn nhưng cũng không có được thông tin.

Từ các nguồn tài liệu xác minh, kết hợp nguồn tin do dân cung cấp, các trinh sát nhận định có nhiều khả năng người này đã thay tên, đổi họ, làm mới chứng minh nhân dân, thay đổi hộ khẩu thường trú, lập gia đình ổn định cuộc sống và nhiều khả năng đang lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam.

Sau 12 ngày đêm ráo riết truy lùng Thấn ở nhiều địa bàn như: Vũng Tàu, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, các tổ tầm nã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chia thành nhiều mũi xác minh từng chi tiết nhỏ nhất có liên quan đến nơi Thấn có khả năng xuất hiện.

Đêm 31/5, sau khi đã xác định được Thấn đang lẩn trốn tại đỉnh đồi Khánh Hiệp (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) khi đang ở tại một lán trại phục vụ công trình xây dựng thủy điện của Nguyễn Ngọc Lâm (con trai Thấn).

Được sự giúp đỡ của trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các trinh sát trong vai thợ điện chia nhau lên xe máy đi kiểm tra lưới điện ở khu vực thủy điện Song Chò 2 và ghé lán trại trong đêm để “kiếm tô mì ăn lọt dạ”. Lúc này, Thấn đã giăng mùng để ngủ, trong nhà chỉ còn cô con dâu và đứa cháu nội mới lên ba tuổi.

Khi các trinh sát đòi ăn mì tôm trứng thì cô con dâu nói hết trứng gà nên gọi bố chồng dậy để giữ cháu. Trông thấy người lạ, cháu bé khóc ré lên.

Thượng tá Lợi phát hiện đôi dép của Thấn đã để dưới giường, anh ta mở mùng để đỡ cháu cho con dâu ra ngoài mua trứng. Thượng tá Lợi nháy mắt với các trinh sát ẵm giúp đứa cháu nội tội nghiệp, ra trước hiên nhà cho mát bởi nếu bắt Thấn có khả năng anh ta sẽ dùng chính cháu nội để làm con tin, hoặc tránh cháu bé thấy cảnh này.

Sau đó, thượng tá Lợi tiến đến chiếc giường Thấn nằm và lân la làm quen hỏi anh ta đó là cháu nội hay ngoại. Lúc này hình dạng của kẻ trốn nã giống hệt với ảnh truy tìm trong hồ sơ nên thượng tá Lợi hét lên: “Nguyễn Ngọc Thấn, anh đã bị bắt”.

Thấn lập tức đánh trả vì có võ và làm từng làm vệ sĩ, chạy ra khỏi giường tìm đường thoát thân nhưng bị một cú đá cận chiến của trinh sát làm hắn ngã gục. Thấn không kịp trở tay và bất ngờ trước sự nhanh nhẹn của các trinh sát.

Với các biện pháp an toàn, tổ trinh sát đã di ly thành công nghi phạm về trụ sở Công an huyện Khánh Vĩnh tiến hành lập biên bản bắt và các thủ tục tố tụng theo quy định cua pháp luật. Người này khai nhận chính là Nguyễn Ngọc Thấn, người đã cùng anh trai Nguyễn Ngọc Xuân gây ra vụ án giết người, cướp tài sản cách đây 41 năm.

Thấn khai nhận năm 1977 sau khi bị bắt và tòa tuyên án 18 năm tù và chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an). Trong quá trình cải tạo được 5 năm, đến năm 1982 lợi dụng sơ hở đã trốn khỏi nơi giam.

Sau khi trốn ra bên ngoài, anh ta đã vào huyện Long Khánh (Đồng Nai) làm thuê sinh sống và đổi tên thành Văn Minh Tám. Quá trình sinh sống tại Long Khánh, anh ta đã lập gia đình với chị Trần Thị Lộc (quê quán Long Khánh, Đồng Nai) và có với nhau được ba người con. Sau đó vợ chồng Thấn di chuyển nơi ở đến xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).

Được khoảng vài năm, Thấn và Lộc chia tay do có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống. Thấn quen một người phụ nữ khác ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) ở với nhau như vợ chồng và có với nhau hai người con.

Đến năm 2000, Thấn để vợ hai ở tại quê nhà rồi di chuyển địa bàn lẩn trốn lên huyện Ia Grai (Gia Lai) để mua đất làm rẫy sinh sống. Tại đây, Thấn tiếp tục quen một người phụ nữ, quê ở Nghệ An và chung sống với nhau như vợ chồng đến nay. Tuy nhiên, giữa họ không có con cái.

Là một kẻ giết người, anh ta rất cáo già khi bí mật xác minh về lai lịch cô vợ thứ ba. Thấn đã gọi tổng đài 1080 của Nghệ An, gọi về tận xã mà cô này sinh sống và được biết là cô vợ ba này đã bỏ nhà vào Tây Nguyên lập nghiệp đã lâu. Gia đình cô này tưởng con gái đã chết. Trong thời gian đó, Thấn vẫn đi về thăm con cháu của người vợ đầu tại X.Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) thì bị bắt.

Suốt 36 năm lẩn trốn, Thấn mang tên mới là Văn Minh Tám, có ba người vợ, năm người con đều đã lập gia đình. Con lớn nhất của hắn đã 33 tuổi. Giờ Thấn đã lên chức ông nội, ông ngoại nhưng vẫn canh cánh bên lòng về tội ác đã gây ra.

Ba người con của người vợ đầu luôn hỏi hắn về quê cha đất tổ nhưng anh ta luôn nói: “Gia đình ba tuyệt tự hết rồi, không còn ai nữa” để tránh bị phát hiện. Khuya 31-5, Thấn đã thú nhận với các con: “Các con hãy về quê cha ở TX An Nhơn (Bình Định). Ở đó, còn có bác hai của các con. Khi nào rảnh thì ghé đến thăm ba!”. Nói rồi, anh ta khóc.

An Hòa (Công An TP.HCM/zing)

Có thể bạn quan tâm