Hàng trăm người sập bẫy "việc nhẹ lương cao", bị lừa bán sang Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bằng thủ đoạn "việc nhẹ lương cao", các đối tượng đã đưa gần 200 người Campuchia làm việc không lương, nếu muốn trở về nước thì phải chuyển tiền chuộc.

Ngày 2-7, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh vừa bắt giữ 7 đối tượng trong đường dây đưa gần 200 người qua Campuchia trái phép.

7 nghi can đang bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, gồm: Vòng Phát Chương (ngụ TP HCM); Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thanh Quy, Lê Văn Lộc, Huỳnh Văn Út, Huỳnh Thanh Phong và Chế Minh Nhật (tất cả cùng ngụ tỉnh Tây Ninh).

 

Các đối tượng tham gia đường dây đưa người trái phép qua Campuchia bị bắt giữ
Các đối tượng tham gia đường dây đưa người trái phép qua Campuchia bị bắt giữ.


Bước đầu điều tra xác định Chương quen biết với Vương Văn Thành (chưa rõ lai lịch) ở Campuchia qua mạng xã hội. Đầu năm 2022, Thành thông tin với Chương rằng công ty nơi đối tượng này làm việc ở Campuchia cần tuyển nhiều người. Nếu đưa được người đến điểm hẹn ở TP HCM để Thành đưa sang nước ngoài thì Chương sẽ được trả tiền cho từng người theo thỏa thuận.

Các đối tượng Phong, Nhật, Khánh, Lộc, Út, Quy đều tham gia tổ chức đưa người sang Campuchia. Để việc đưa người xuất cảnh trái phép được trót lọt, nhóm nghi can này sử dụng xe máy, ôtô phân công việc cụ thể cho từng người.

Đối với việc tìm kiếm "con mồi", các đối tượng tìm cách rủ rê, hứa hẹn giới thiệu việc làm có thu nhập cao tại khu vực tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng đưa đến nhiều địa điểm khác nhau, sau đó tìm cách đưa qua biên giới Campuchia bằng đường tiểu ngạch.

Với thủ đoạn trên, tính từ đầu năm 2022 đến khi bị bắt, Chương cùng nhóm đối tượng trên đã đưa gần 200 người sang Campuchia trái phép.

Anh Phạm Văn Hòa (ngụ TP Biên Hòa), nạn nhân của các đối tượng trên, điện thoại cầu cứu tới Công an tỉnh Đồng Nai về việc đang bị một số đối tượng lừa đưa đi làm việc ở Tây Ninh nhưng thực chất đang trên đường đưa qua biên giới Campuchia. Thời điểm anh Hòa trình báo đang ở địa bàn tỉnh Long An. Vào cuộc, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã cử 2 tổ công tác tiếp cận mục tiêu để xác minh sự việc và giải cứu các nạn nhân. Trong đó, một tổ nhanh chóng tiếp cận địa điểm mà nạn nhân vừa trình báo. Tuy nhiên, khi lực lượng trinh sát tiếp cận địa điểm trên thì các đối tượng đã đưa người đi nơi khác.

 

Công an xác định có gần 200 nạn nhân của đường dây này
Công an xác định có gần 200 nạn nhân của đường dây này


Tiếp tục bám theo các thông tin mà nạn nhân cung cấp, đến tối cùng ngày, tại khu vực xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), lực lượng trinh sát phát hiện các đối tượng đang đưa 3 người gồm: Phạm Văn Hòa, Lê Chí Thông (ngụ tỉnh Bình Phước) và Đỗ Tiến Đạt (ngụ TP Biên Hòa) sang một ôtô khác để tiếp tục đưa qua biên giới Campuchia.

Tại đây, trinh sát giải cứu 3 nạn nhân nói trên và bắt giữ các đối tượng trong đường dây đưa người xuất cảnh trái phép.

Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước thủ đoạn tuyển lao động với mức thu nhập cao trên các trang mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.

Bằng thủ đoạn đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động với mức thu nhập cao, sau khi dụ dỗ, các đối tượng đưa nạn nhân đến khu vực giáp ranh biên giới rồi đưa qua Campuchia bất hợp pháp, ép nạn nhân làm công việc không trả lương hoặc bán cho các công ty của người Trung Quốc; nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị ép buộc ký các hợp đồng lao động, nếu muốn trở về nước thì phải chuyển tiền chuộc cho các đối tượng.

Theo Nguyễn Tuấn (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.