(GLO)- Trong tuần đầu kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất rượu thủ công, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thủ công vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP.
Hàng loạt trường hợp ngộ độc rượu trắng do các cơ sở sản xuất thủ công trên địa bàn cả nước đang gióng lên một hồi chuông về việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Gần đây nhất, tại Hà Nội, có 7 sinh viên quê ở Gia Lai đã bị ngộ độc rượu tự nấu chứa cồn công nghiệp methanol sau một buổi tiệc.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra tại 1 cơ sở sản xuất rượu thủ công ở TP. Pleiku . Ảnh: N.T |
Tại tỉnh ta, từ năm 2010 cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc rượu trắng tự nấu; tuy nhiên, xác định những mối nguy hiểm tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân của loại rượu này và nhằm góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu, trong đợt kiểm tra việc bảo đảm ATTP nhân Tháng Hàng động vì ATTP năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 18-4 đến 24-4, đoàn đã tiến hành kiểm tra việc đảm bảo ATTP ở 9 cơ sở sản xuất rượu tại huyện Chư Sê, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện cả 9 cơ sở này đều vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP và đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, đồng thời hướng dẫn các chủ cơ sở đến các cơ quan chức năng liên quan nhằm hoàn thành hồ sơ pháp lý để tiếp tục sản xuất rượu thủ công.
Cụ thể, qua kiểm tra tại cơ sở sản xuất rượu thủ công của ông Phạm Văn Dũng (trú đường Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku), đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hàng loạt vi phạm về việc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến, sản xuất rượu trắng như: chưa bố trí được khu vực sản xuất riêng, không cách ly với khu vực nuôi nhốt vật nuôi, gia súc. Chủ cơ sở cũng không cung cấp được các giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sản xuất rượu và không được trang bị các kiến thức về ATTP.
Tại cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Dũng (trú tổ 14, phường Ngô Mây, thị xã An Khê), đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều vi phạm như chưa có các hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sản xuất rượu thủ công; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất không đảm bảo; chủ cơ sở chưa được trang bị các kiến thức về ATTP. Tương tự, tại cơ sở sản xuất rượu thủ công của bà Nguyễn Thị Bồng (trú tổ 4, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) nhiều vi phạm cũng được chỉ ra như khu vực sản xuất chưa bảo đảm ATTP; cơ sở sản xuất nhếch nhác, bẩn thỉu, gần chuồng nuôi heo, ruồi nhặng bu bám đầy trên các vật dụng sản xuất rượu; chủ cơ sở chưa cung cấp được nguồn gốc sản xuất men rượu…
Theo ghi nhận của P.V, các cơ sở đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, số lượng rượu tự nấu không nhiều, chủ yếu phục vụ cho một số hộ dân sinh sống xung quanh và nấu rượu để lấy bã làm thức ăn cho gia súc. Do đó, đa phần các chủ cơ sở này đều rất mù mờ các quy định về đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất rượu thủ công.
Cũng trong thời gian này, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP cũng đã làm việc với các Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP của các phường, xã về việc triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP tỉnh cho biết: “Trước đây, các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP thường tổ chức thanh-kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, thực phẩm tươi sống... Nhưng năm nay, chúng tôi tham mưu với tỉnh tập trung vào kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công để góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở và ngăn ngừa ngộ độc rượu trong cộng đồng, đồng thời làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tuyến xã, phường về việc quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương. Trước mắt, sau đợt kiểm tra này, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các xã của 3 huyện, sau đó sẽ mở rộng cho các nơi khác nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các Ban Chỉ đạo liên ngành”.
Nguyễn Tú