Hải Yang nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là việc chú trọng tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, xã chỉ còn 20 hộ nghèo (chiếm 1,5%), giảm 33 hộ so với cuối năm 2021.

Xã Hải Yang có 1.310 hộ với 4.663 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,4%. Từ năm 2021 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các nguồn xã hội hóa hợp pháp, xã đã xóa được 21 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; hỗ trợ 45 con bò sinh sản cho 45 hộ nghèo để phát triển kinh tế. Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cuối tháng 10-2024, bà Awoi (làng Bông Hiot) phấn khởi dọn về căn nhà mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải Yang hỗ trợ xây dựng với kinh phí 50 triệu đồng. Bà Awoi cho hay: “Tôi không có đất sản xuất, lại thường xuyên ốm đau, không ai thuê đi làm. Ngày nào khỏe, tôi vào rừng kiếm măng le, bông đót, củi để bán lấy tiền trang trải sinh hoạt. Căn nhà cũ của tôi chỉ rộng hơn 10 m2, dột nát nên cứ vào mùa mưa bão là lại nơm nớp lo bị sập. Giờ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà mới, tôi vui lắm”.

ba-awoi-thon-bong-hiot-xa-hai-yang-duoc-ho-tro-lam-nha-moi-voi-tong-kinh-phi-50-trieu-dong.jpg
Bà Awoi (ở giữa, làng Bông Hiot, xã Hải Yang) được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà. Ảnh: L.N

Còn chị Hyet (cùng làng) thì chia sẻ: “Năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố và 1 con bò sinh sản. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện ổn định chỗ ở, an tâm lao động sản xuất. Đến nay, gia đình tôi có hơn 300 cây cà phê, 2 con bò và đã thoát nghèo”.

Theo ông Luyệt-Trưởng thôn Bông Hiot: Thôn có 385 hộ, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, hệ thống chính trị thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, mô hình sinh kế, đào tạo nghề... Nhờ đó, thôn chỉ còn 9 hộ nghèo, giảm 15 hộ so với năm 2022. Thời gian tới, thôn phấn đấu mỗi năm giảm 2 hộ nghèo.

xa-hai-yang-cap-bo-sinh-san-cho-ho-ngheo-tren-dai-ban-de-phat-trien-kinh-te.jpg
Xã Hải Yang cấp bò sinh sản cho hộ nghèo trên đại bàn để phát triển kinh tế. Ảnh: L.N

Tương tự, ông Trần Văn Tâm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3-cho biết: Hiện nay, thôn còn 4 hộ nghèo, giảm 8 hộ so với năm 2022. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, Chi bộ thôn đã phân công đảng viên, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đăng ký học nghề và làm công nhân cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, chi tiêu gia đình; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ bà con xây dựng và sửa chữa nhà ở, cấp bò để phát triển kinh tế…

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tường Duy cho biết: Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo. Trên cơ sở nghị quyết đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng năm. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để họ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài ra, xã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định nơi ở, có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

“Thời gian tới, UBND xã tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp cho hộ nghèo nâng cao nhận thức, có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, xã sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin”-Chủ tịch UBND xã Hải Yang thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.