Đức Cơ tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ sinh kế, nhà ở và tạo việc làm cho người nghèo.

Hỗ trợ nhà ở, sinh kế

Tính đến cuối năm 2024, xã Ia Din giảm được 2,48% hộ nghèo (tương đương 52 hộ), kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9,51% (tương đương 199 hộ). Để đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, ngay từ đầu năm, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người dân.

Ông Phùng Văn Cường-Chủ tịch UBND xã Ia Din-cho biết: Hàng năm, sau khi tiến hành rà soát, xã chia theo nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Trên cơ sở đó, xã huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi, cung cấp kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; đồng thời, phân công các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo vươn lên.

Đối với những trường hợp ốm đau, bệnh tật, xã giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị hỗ trợ theo quy định. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, xã đã xóa nhà tạm cho 18 hộ nghèo, mỗi căn có trị giá 60-85 triệu đồng.

Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, lại không có đất sản xuất nên gia đình chị Siu Nger (làng Yít Tú, xã Ia Din) gặp không ít khó khăn. Năm 2023, chị được hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” trị giá 60 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Chị bày tỏ: “Khi ổn định chỗ ở rồi, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để vươn lên thoát nghèo”.

Cũng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Ia Din triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo. Từ năm 2023 đến nay, xã đã cấp 74 con bò cho 37 hộ nghèo với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

1-ho-anh-ro-mah-mek-bia-trai-thuoc-dien-ho-ngheo-tai-lang-yit-tu-xa-ia-din-duoc-ho-tro-bo-giong-sinh-san-anh-dinh-yen.jpg
Anh Rơ Mah Mek (bìa trái, làng Yít Tú, xã Ia Din) cho biết, nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, anh có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Anh Rơ Mah Mek (làng Yít Tú) cho hay: Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo do không có đất sản xuất. Vợ làm công nhân tại Công ty 75 (Binh đoàn 15). Còn mình hàng ngày phụ vợ cạo mủ, làm thuê làm mướn. Cuộc sống quanh năm vất vả mà vẫn thiếu trước hụt sau, mãi chưa thoát nghèo.

Đầu tháng 11-2024, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình 2 con bò sinh sản. Trước khi nhận bò, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Khi nhận bò về nuôi, vợ chồng mình thường xuyên vệ sinh chuồng trại và bổ sung dinh dưỡng để bò phát triển khỏe mạnh. Gia đình mình cố gắng chăm sóc để nhân đàn. Hy vọng gia đình sẽ sớm thoát nghèo.

Tương tự, anh Ksor Tuyên (làng Sung Kép, xã Ia Kla) cũng được hỗ trợ học nghề và được cấp bò sinh sản. Nhờ sự hỗ trợ này mà cuộc sống gia đình anh đã có sự chuyển biến tích cực.

“Tháng 11-2023, xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản và vận động mình tham gia học nghề xây dựng. Sau khi học nghề, mình tự tin làm thợ xây cùng với anh em trong làng, mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Vợ chồng mình sẽ chăm chỉ làm ăn để phấn đấu thoát nghèo trong năm 2025”-anh Tuyên nêu quyết tâm.

Ông Ksor Thâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kla-cho hay: Xã có 1.952 hộ với 8.004 khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 42%. Đến cuối năm 2024, xã còn 165 hộ nghèo (chiếm 8,23%); 30 hộ đang sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Từ năm 2023 đến nay, nhờ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và doanh nghiệp hỗ trợ, xã đã cấp 37 con bò sinh sản cho các hộ nghèo.

Bên cạnh đó, 9 hộ nghèo vừa được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở. Ngoài ra, xã còn phối hợp mở 3 lớp đào tạo nghề xây dựng, trồng cà phê, nghề điện cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo niềm tin và động lực cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Đầu năm 2024, huyện Đức Cơ còn 2.001 hộ nghèo, chiếm 10,19%. Huyện phấn đấu giảm 2,2% hộ nghèo vào cuối năm 2024. Phó Chủ tịch UBND huyện Siu Luynh cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sát với tình hình thực tế; phân công các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân phụ trách giúp đỡ từng hộ gia đình; phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn, làng; rà soát nhu cầu cụ thể của từng hộ.

11-can-bo-xa-ia-kla-khao-sat-ho-tro-nha-o-cho-ho-ngheo-nha-o-anh-dinh-yen.jpg
Cán bộ xã Ia Kla khảo sát hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh: Đinh Yến

Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều; phân loại hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo và hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội để có giải pháp hiệu quả; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Nhờ đó, đến đầu tháng 11, toàn huyện giảm được 431 hộ nghèo, tương đương giảm 2,28% (đạt kế hoạch tỉnh giao là 2,2%). Đến nay, toàn huyện còn 1.570 hộ nghèo, chiếm 7,92%.

Ông Phùng Văn Cường-Chủ tịch UBND xã Ia Din-cho hay: Ngoài hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, xã còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp học nghề cạo mủ cao su.

Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cải tạo vườn điều, tái canh cà phê. Một số nhà hảo tâm cũng hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn lúa giống vụ Đông Xuân với tổng số tiền 80 triệu đồng.

“Xã phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 27 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở vào cuối năm 2025 và đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm”-ông Cường nói.

1-nguoi-ngheo-huyen-duc-co-duoc-ho-tro-phan-bon-cham-soc-cay-trong-anh-van-chau.png
Người nghèo huyện Đức Cơ được hỗ trợ phân bón chăm sóc cây trồng. Ảnh: Văn Châu

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kla Ksor Thâm thì khẳng định: “Việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với việc thay đổi phương thức hỗ trợ đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo.

Thay vì cấp không như trước đây, các chương trình, dự án hỗ trợ hiện nay đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đối với chương trình nhà ở, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân đối ứng 40 triệu đồng bằng cách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn đối với chương trình hỗ trợ bò sinh sản, người dân đối ứng bằng cách làm chuồng trại”.

Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ: Thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã triển khai đầu tư toàn diện từ nhà ở, công trình phụ cho đến hỗ trợ sản xuất, thông tin, đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn lực hỗ trợ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đồng thời, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để tạo sức mạnh tổng hợp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên.

Mặt khác, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.

Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Viết Bích Huệ (bìa trái) trao đổi công tác tổ chức đại hội chi bộ điểm với Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang Hà Đình Thủy. Ảnh: P.D

Đảng bộ xã Ia Blang tích cực chuẩn bị đại hội điểm

(GLO)- Đảng bộ xã Ia Blang được Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chọn tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025-2030 để rút kinh nghiệm trước khi chỉ đạo chung ra diện rộng. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng ủy xã đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.