Hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề cho hộ nghèo: Gặp khó do vốn tín dụng chưa được phân bổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề cho hộ nghèo của tỉnh Gia Lai vẫn chưa được phân bổ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình này.

Năm 2024, tổng nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề của tỉnh theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn tín dụng này vẫn chưa được phân bổ khiến các địa phương gặp khó khăn.

Những tháng cuối năm 2024, huyện Kông Chro đang nỗ lực tăng tốc triển khai thực hiện, giải ngân các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Tô Thành Năm-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho biết: Theo dự toán giao năm 2024, tổng kế hoạch các nguồn vốn phân bổ cho huyện để thực hiện chương trình là hơn 66 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển hơn 29 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 33,4 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách 2,6 tỷ đồng và vốn huy động, lồng ghép khác 901 triệu đồng.

Trong 9 tháng qua, huyện đã triển khai thực hiện và giải ngân được 32,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân 21,4 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch; vốn sự nghiệp 10,6 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch; vốn huy động, lồng ghép khác 436 triệu đồng, đạt 48% kế hoạch. Đối với nguồn vốn vay tín dụng chính sách, do chưa có nguồn vốn Trung ương giao nên huyện chưa thực hiện giải ngân.

1-9569.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được tạo điều kiện vay vốn tín dụng để xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: S.C

Năm 2024, triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, trong đó có nội dung số 3 về hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, UBND huyện Kông Chro đã phê duyệt danh sách 47 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải ngân 220 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương cho 22 hộ, đạt 46% kế hoạch.

Liên quan đến nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, năm 2024, hầu hết các đối tượng đăng ký nhu cầu vốn thuộc địa bàn thị trấn Kông Chro. Phòng Dân tộc huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện tuyên truyền, vận động bà con vay vốn, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ 10 triệu đồng của Nhà nước để chuyển đổi nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Xuân Nhân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kông Chro-cho hay: “Những năm gần đây, thông qua khảo sát nhu cầu vốn tín dụng thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, bà con chủ yếu đăng ký vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề. Đa phần hộ vay đầu tư chăn nuôi bò vì phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất”.

Theo đó, mức cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân 40-50 triệu đồng, tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Căn cứ vào danh sách phê duyệt đối tượng hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã đăng ký nhu cầu vốn tín dụng năm nay là 1,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, bên cạnh nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện một số nội dung dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho 2.187 hộ vay. Trong đó, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 804 hộ với dư nợ hơn 44 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 5 hộ với dư nợ 250 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 124 hộ với dư nợ 7,48 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.254 hộ với dư nợ hơn 49 tỷ đồng.

nguon-von-tin-dung-chinh-sach-da-gop-phan-ho-tro-ba-con-dan-toc-thieu-so-ve-nha-o-dat-o-chuyen-doi-nghe-hieu-qua-1363.jpg
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số về nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề hiệu quả. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Triều Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-thông tin: “Năm nay, tổng nhu cầu vốn tín dụng thực hiện hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề của tỉnh theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là 30 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhà ở cho 372 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 728 hộ. Hiện nay, nguồn vốn này vẫn chưa được phân bổ nên phần nào ảnh hưởng đến việc giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng”.

Trong khi chờ Trung ương cân đối phân bổ nguồn vốn thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Công văn số 471/UBND-KTTH ngày 5-3-2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/NQ/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND về ban hành quy chế quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).