Một đội tàu hải quân Trung Quốc vừa ngang nhiên tiến hành một đợt huấn luyện ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hải quân Trung Quốc vừa ngang nhiên diễn tập ở quần đảo Trường Sa sau khi tiến hành chiến dịch chống hải tặc ở vịnh Aden - Chụp màn hình SCMP |
Động thái phi pháp ở quần đảo Trường Sa nói trên diễn ra hôm 2.5, nhưng tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đưa tin, theo tờ South China Morning Post ngày 5.5. Ngoài huấn luyện chống hải tặc, đội tàu nói trên, gồm có một tàu khu trục và một tàu hộ vệ, còn tiến hành huấn luyện bắn đạn thật, theo Đài CCTV.
Đây có thể được xem là hoạt động mới nhất của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Hôm 18.4, Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đến ngày 19.4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể trên Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: AMTI/CSIS |
Ngày 19.4, trước việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vào chiều 22.4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc Trung Quốc đặt cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể trên Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh: “Mọi hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành vi trên”.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 30.4 - Ảnh: CSIS |
Không chỉ gia tăng động thái phi pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc trong thời gian gần đây tăng cường tập trận ở Biển Đông. Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 5.5 đưa tin một phi công lái J-15, máy bay hoạt động trên tàu sân bay, gần đây đã tham gia cuộc tập trận được tổ chức từ cảng hải quân ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), tàu chiến và một máy bay chống tàu ngầm thực hiện giám sát ở Biển Đông, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm.
Hôm 4.5, PLA Daily cũng đưa tin một máy bay chống tàu ngầm thuộc Chiến khu miền nam, phụ trách hoạt động ở Biển Đông, gần đây tiến hành hoạt động tuần tra và chống tàu ngầm, nhưng không cung cấp chi tiết. Những hoạt động này diễn ra sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 30.4.
Theo Văn Khoa (thanhnien)