Hội nghị bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng nay 27.3 với điểm cầu chính tại Bộ Y tế, do lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT chủ trì, đồng thời có đại diện lãnh đạo các bộ: Công an, Quốc phòng, KH-ĐT, Tài chính... Tại các tỉnh, thành có đại diện lãnh đạo UBND, sở y tế, các bệnh viện; lãnh đạo chi cục thú y. Đây là cuộc họp được Bộ Y tế tổ chức sau ca tử vong ở Khánh Hòa do nhiễm cúm A/H5N1.
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm. ẢNH: P.H |
Trước đó, tối 24.3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông tin về trường hợp nam thanh niên 21 tuổi, trú tại thôn Tân Ninh (xã Ninh Trung, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) tử vong do mắc cúm gia cầm A/H5N1.
Ngày 11.3, nam bệnh nhân bị sốt, ho và tự điều trị nhưng không giảm nên đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi. Đến ngày 23.3, bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân tử vong. Qua điều tra dịch tễ, trước và sau tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân đi bẫy chim hoang dã gần nơi sinh sống.
Cũng theo Bộ Y tế, nam bệnh nhân là ca tử vong do cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ 2014. Trước đó, tháng 10.2022, tại Phú Thọ ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người. Từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 65 người tử vong (50,8%).
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Phan Quang Minh, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), ngay sau khi được thông báo về ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người ở Khánh Hòa, Cục Thú y đã chỉ đạo Cục Thú y vùng IV lấy 5 mẫu gộp trên đàn gia cầm (gà, vịt) ở các địa điểm: nhà của bệnh nhân, hộ giáp ranh nhà bệnh nhân, cửa hàng bán chim cảnh ký túc xá Trường đại học Nha Trang (nơi bệnh nhân tạm trú) nhưng không phát hiện vi rút cúm A/H5N1.
Theo Cục Thú y, 3 tháng đầu năm nay cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, đã tiêu hủy 8.924 con gia cầm. Đến nay, cả nước chưa có ổ dịch nào qua 21 ngày.
"Đối với cúm gia cầm thì biện pháp phòng ngừa cơ bản và quan trọng nhất hiện nay vẫn là tiêm vắc xin cho gia cầm. Cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương phát hiện sớm, xử lý dứt điểm các ổ dịch, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân về phòng, chống các loại dịch bệnh", ông Minh nói.