Hack Facebook - Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tục nhận được đơn trình báo của những bị hại bị lừa đảo qua mạng Internet. Trong đó, có nhiều bị hại là nạn nhân của các đối tượng chuyên hack Facebook.


Chiều 28/8, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế cho biết, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, Công an TP Huế liên tục nhận được nhiều đơn thư của bị hại "tố" bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Qua thu thập các đơn thư, chứng cứ và phân tích các thủ đoạn, cơ quan Công an xác định, các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao dù không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo, tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn bị sập bẫy bọn tội phạm.
 

Hoàng Thanh Sang (phải) và Nguyễn Minh Vũ tại phiên tòa sơ thẩm.
Hoàng Thanh Sang (phải) và Nguyễn Minh Vũ tại phiên tòa sơ thẩm.


Đáng lo nhất là hành vi hack (chiếm quyền sử dụng) các tài khoản Facebook rồi dùng các tài khoản này liên lạc, nhắn tin đến người thân của họ để mượn tiền, hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các trang web chuyển tiền quốc tế do đối tượng tự tạo ra để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại. Với thủ đoạn này, nhiều bị hại đã tin tưởng gửi tiền vào các tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử, như trường hợp chị N.A., giáo viên trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chị A. cho biết, tài khoản Facebook của một đồng nghiệp nhắn đến Facebook chị với nội dung: "Cô đang cần tiền gấp để lo việc gia đình. Nếu em có tiền sẵn trong tài khoản cho cô mượn 30 triệu đồng và hôm sau cô sẽ chuyển lại". Lúc này, chị A. nghĩ đây là cô giáo cùng trường nên không chần chừ, chuyển tiền ngay cho đồng nghiệp mượn. Hơn 1 ngày trôi qua, chị A. mới biết tin Facebook của đồng nghiệp mình bị kẻ xấu hack nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài chị A., một số nạn nhân cũng bị sập bẫy tương tự.

Theo Thượng tá Lê Ngọc Minh, thời gian qua, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều tra, xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo công nghệ cao nói chung và các đối tượng chuyên hack Facebook người khác để chiếm đoạt tài sản của người khác nói riêng. Tuy nhiên, nhiều thanh niên do bản tính ham chơi, thích hưởng thụ nên vẫn lập kế hoạch đi hack Facebook người khác nhằm dễ dàng chiếm đoạt số tiền lớn.

Giữa tháng 8/2022, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Hoàng Thanh Sang (SN 2000) và Nguyễn Minh Vũ (SN 1990), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị, về các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Kết quả điều tra của cơ quan Công an xác định, Sang đã hack tài khoản Facebook của người dùng ở nhiều tỉnh, thành. Sau đó, Sang dùng các tài khoản này liên lạc, nhắn tin đến người thân của họ để mượn tiền, hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các trang web chuyển tiền quốc tế do đối tượng tự tạo ra để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.

Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Sang đã thiết kế một website có tên miền "Albumanhdep.weely.com" trên mạng rồi nhắn kèm đường link cho các tài khoản Facebook qua ứng dụng Messenger. Khi có người truy cập vào và điền đầy đủ thông tin cá nhân vào đường link này, các thông tin đó sẽ được chuyển vào website trên, từ đó Sang chiếm quyền kiểm soát tài khoản các Facebook này.

Sau khi chiếm được quyền kiểm soát tài khoản, Sang thay đổi mật khẩu, xóa các thông tin xác thực của chủ tài khoản Facebook, rồi nghiên cứu và khai thác thông tin về mối quan hệ của chủ tài khoản đã chiếm đoạt. Tiếp theo, Sang mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin, liên lạc với người thân chủ tài khoản để mượn tiền hoặc nói dối là muốn chuyển ngoại tệ về Việt Nam thông qua đường link website có tên miền: "chuyentienquocte.weebly.com" do Sang tự thiết kế để người bị hại đăng nhập các thông tin cá nhân.

Khi người bị hại nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu thì Sang cùng Nguyễn Minh Vũ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của người bị hại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ. Sau khi chiếm đoạt tiền, Sang và Vũ sẽ chuyển tiền đến các tài khoản do chúng lập ra và chúng thực hiện việc rửa tiền thông qua hình thức mua bán tiền ảo, chuyển thành tiền Việt Nam để chia nhau tiêu xài.

Một trong số vụ mà các đối tượng chiếm đoạt số tiền nhiều nhất là hơn 1,1 tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng Sang đã chiếm đoạt được quyền kiểm soát tài khoản Facebook "Thủy Diệp Trần" của chị T.T.D. (sinh sống tại Cộng hòa Pháp). Sang dùng Facebook này nhắn tin cho tài khoản Facebook "Nhquang Hai" của anh N.Q.H. (trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - là em họ của chị T.T.D để giả mạo là chị D. sẽ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cho anh H. Lúc này, Sang cung cấp cho anh H. một đường link có giao diện giống với trang web chuyển tiền quốc tế. Do không biết tài khoản của chị họ mình đã bị chiếm đoạt kiểm soát nên anh H. đã tin tưởng, đồng ý cung cấp số tài khoản, nhập các thông tin cá nhân, mã OTP vào đường link này để nhận tiền.

Sau khi anh H. nhập đầy đủ thông tin, Sang chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng và chuyển số tiền hơn 1,1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của anh H. vào các tài khoản khác nhau mà Vũ cung cấp trước đó để Vũ chuyển hóa (rửa tiền) số tiền trên thông qua mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch như: Bitcion, Remitano… sau đó bán tiền ảo chuyển thành tiền Việt Nam chia nhau tiêu xài. Với thủ đoạn trên, cả hai đã thực hiện thành công, chiếm đoạt tiền của 6 bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.

HĐXX tuyên phạt Hoàng Thanh Sang 13 năm tù với 3 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; Nguyễn Minh Vũ 15 năm 6 tháng tù với 2 tội danh: "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"… Ngoài ra, Tòa buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền còn lại cho các bị hại.

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng trong giao dịch chuyển tiền, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người không hề hay biết, không chia sẻ căn cước công dân lên mạng xã hội, tuyệt đối không nhấp vào các đường link mà các đối tượng gửi về qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại… Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo thì nên phối hợp, trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để giải quyết.

 

Theo HẢI LAN (cand)

 

Có thể bạn quan tâm