Hà Tĩnh thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học chính khóa vào thứ bảy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phòng GD-ĐT TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đang thí điểm cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố nghỉ học chính khóa vào thứ bảy. Việc thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh.

Sáng 24.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Hưng Quốc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này đang triển khai thí điểm cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố nghỉ học chính khóa vào thứ bảy từ năm học 2024 - 2025. Chủ trương thí điểm dạy học 5 ngày trong tuần (từ thứ hai đến thứ sáu) được Phòng GD-ĐT TP.Hà Tĩnh thực hiện sau khi có sự cho phép của Sở GD-ĐT.

Trường THCS Lê Bình ở TP.Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ bảy. ẢNH: TÂN KỲ

Trường THCS Lê Bình ở TP.Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ bảy. ẢNH: TÂN KỲ

"Việc nghỉ học ngày thứ bảy là nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9 trường THCS thì 8 trường đã triển khai chủ trương này. Sau hơn 1 tuần triển khai, việc cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ bảy đa số nhận được sự đồng thuận cao của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường học có kế hoạch bố trí việc dạy học đảm bảo đúng quy định không quá 8 tiết/ngày, không dồn ép giờ học và không cắt xén chương trình chung. Đặc biệt, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường học yêu cầu giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm", ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, thay vì học chính khóa vào ngày thứ bảy thì các trường THCS trên địa bàn thành phố có thể tổ chức các hoạt động bồi dưỡng về nghệ thuật, nâng cao thể chất và kỹ năng sống hoặc ngoại khóa theo sở thích của học sinh.

Bà Phan Thị Tâm Tư, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình (đóng tại P.Tân Giang, TP.Hà Tĩnh), cho hay nhà trường đã triển khai thí điểm cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ bảy bắt đầu từ tuần trước và tiếp tục thực hiện trong tuần này.

"Trước khi thực hiện, nhà trường cũng đã lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh thì đa số đều đồng tình. Nhà trường cũng đã bố trí dạy học đảm bảo đúng quy định về số tiết, chương trình dạy học và có kế hoạch dành ngày thứ bảy để tổ chức các hoạt động về giáo dục thể chất, kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa. Cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các giáo viên không dạy thêm tại nhà và mong muốn phụ huynh không bắt con đi học thêm vào 2 ngày nghỉ học cuối tuần để các em được thoải mái vui chơi", bà Tư thông tin.

Theo bà Tư, để bảo đảm thời lượng học tập theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành sau khi thực hiện nghỉ học chính khóa vào thứ bảy, học sinh phải có ít nhất 1 ngày trong tuần học cả 2 buổi. Đối với việc này thì hiện nay cơ sở vật chất của Trường THCS Lê Bình vẫn đảm bảo cho việc dạy và học.

Trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh có văn bản về việc cho ý kiến dạy học 5 ngày trong tuần, nghỉ ngày thứ bảy đối với học sinh THCS tại TP.Hà Tĩnh từ năm học 2024 - 2025 theo đề xuất của Phòng GD-ĐT thành phố.

Theo đó, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Phòng GD-ĐT thành phố cần rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai.

Đặc biệt, đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tiễn; xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trong các nhà trường khoa học, hợp lý; khảo sát lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận...

Để triển khai có hiệu quả việc cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ bảy, trước hết, Phòng GD-ĐT thành phố nên tổ chức thí điểm để đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện phù hợp.

Theo Phạm Đức (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.