Thái Nguyên tiếp tục cho học sinh nghỉ học để tránh lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 10/9; thành phố Thái Nguyên cho học sinh nghỉ học hai ngày 10-11/9.
Lực lượng chức năng thành phố Thái Nguyên hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Lực lượng chức năng thành phố Thái Nguyên hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Tại tỉnh Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao, nhiều khu vực bị ngập, giao thông đi lại khó khăn, nhiều trường học bị gió bão làm tốc mái, đổ cây, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học...

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ của tỉnh Thái Nguyên đã quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 10/9; thành phố Thái Nguyên cho học sinh nghỉ học hai ngày 10-11/9.

Trong thời gian học sinh nghỉ học, các cấp chính quyền địa phương yêu cầu ngành giáo dục và các đơn vị trường học tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh để tổ chức kịp thời việc dạy và học khi tình hình ổn định.

Các nhà trường ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo Đài khí tượng thủy văn Thái Nguyên, tại trạm thủy văn Gia Bẩy, lúc 19 giờ ngày 9/9, mực nước lũ đang ở mức 2,87m, trên mức báo động 3 là 171cm; tại trạm thủy văn Chã, mực nước ở mức 0,89m, trên mức báo động 1 là 0,92m.

Trong đêm 9/9, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm, có khả năng đạt đỉnh. Tại trạm thủy văn Gia Bảy, đỉnh lũ khả năng ở mức 2,89m, cao hơn 190 cm so với báo động 3; tại trạm thủy văn Chã, đỉnh lũ có khả năng đạt trên cấp báo động 3 vào đêm 10/9.

Lực lượng quân đội và các ngành chức năng gia cố đê Sông Cầu đoạn qua phường Trưng Vương để ngăn nước tràn vào khu dân cư. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Lực lượng quân đội và các ngành chức năng gia cố đê Sông Cầu đoạn qua phường Trưng Vương để ngăn nước tràn vào khu dân cư. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Nguyên nhân nước lũ trên sông Cầu tiếp tục dâng cao là do nước ở khu vực thượng nguồn đổ về (khu vực tỉnh Bắc Kạn và các huyện vùng núi của tỉnh Thái Nguyên).

Mực nước lũ sông Cầu lên cao đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của nhiều vùng dân cư sinh sống dọc hai bờ sông Cầu tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, thành phố Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên.

Trong số đó, khu vực thành phố Thái Nguyên bị ngập nặng nhất, khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng; gần 1.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị đổ, ngập chìm trong nước…

Bên cạnh đó, nước lũ sông Cầu cũng làm ngập cục bộ tại một số tuyến giao thông liên huyện và trong địa bàn thành phố, gây chia cắt giao thông.

Lực lượng chức năng đã cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua các cầu Gia Bảy, Bến Tượng, Bến Oánh.

Hoạt động cứu nạn, cứu hộ vẫn đang được các cấp chính quyền nỗ lực triển khai 24/24 giờ, tập trung rà soát các hộ dân trong vùng ngập lụt, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống và thông tin liên lạc cho các hộ dân, kích hoạt toàn bộ phương án “4 tại chỗ,” ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cương quyết di dời các hộ dân có nguy cơ mất an toàn.

Nhà dân tại thành phố Thái Nguyên bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Nhà dân tại thành phố Thái Nguyên bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người dân, hiện trên các một số trang mạng xã hội, nhiều hội nhóm, cá nhân đã đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình thiên tai, trong đó có thông tin “đê sông Cầu đã không giữ được nữa, dự kiến nước sẽ dâng lên 2m, toàn bộ thành phố khu vực Quảng trường sẽ bị ngập hết...” gây hoang mang trong nhân dân.

Tỉnh Thái Nguyên đề nghị nhân dân cảnh giác, nhận diện và không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật.

Các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, gây hoang mang dư luận xã hội sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, cơ bản tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó tương đối tốt với diễn biến của lũ.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.