Giúp bà 'trùm' buôn lậu Mười Tường, 3 cựu cán bộ công an lãnh án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì động cơ cá nhân và giúp bà “trùm” buôn lậu Mười Tường thoát tội, 3 cựu cán bộ Công an tỉnh An Giang đã né tránh điều tra, không áp dụng các biện pháp điều tra, cố ý không thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Ngày 3-2, TAND tỉnh An Giang đưa các bị cáo: Hồ Văn Tấn (cựu Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang); Lê Tấn Tài, cựu Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh An Giang và Nguyễn Minh Trí (cựu điều tra viên) ra xét xử với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị cáo tại toà.

Các bị cáo tại toà.

Theo cáo trạng, năm 2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Bộ Công an đã triệt phá vụ án buôn lậu xảy tại xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Qua đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình và Trần Văn Tánh.

Còn Võ Minh Phương, Trần Công Tới và Bùi Văn Miền đã bỏ trốn, nên Cục Cảnh sát điều tra đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh An Giang thụ lý điều tra. Trong hồ sơ chuyển nêu rõ: "Có tài liệu xác định Nguyễn Hoàng Út (Út Mạnh), Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức bà "trùm" buôn lậu Mười Tường) đứng ra tổ chức điều hành đường dây buôn lậu".

Sau đó, do chưa thu thập đủ tài liệu chứng minh chủ sở hữu số hàng buôn lậu bị bắt giữ nên Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định thay đổi tội danh và xử lý Dũng, Điện, Lình và Tánh từ tội "buôn lậu" sang tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Đồng thời, tách vụ án buôn lậu của Phương, Tới, Miền ra để khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Đến năm 2020, Phương, Tới và Miền gọi điện cho người nhà đến gặp Mười Tường nhờ hỗ trợ xin được tại ngoại sau khi về đầu thú. Mười Tường biết Lê Tấn Tài là bà con họ hàng với chồng mình nên gọi điện nhờ giúp đỡ; đồng thời yêu cầu Phương, Tới và Miền khi về đầu thú chỉ khai nhận chở hàng thuê và không được khai ra người cầm đầu là Mười Tường và Út Mạnh.

Lúc này, ông Tài lấy cớ đang mùa dịch COVID-19 nên để Phương, Tới, Miền được tại ngoại, cách ly dịch và trao đổi lý do này với nhiều cán bộ, lãnh đạo công an, VKSND tỉnh và nhận được sự đồng ý.

Công an tỉnh An Giang phân công các ông Tấn, Tài và Trí tiếp nhận các bị can và phục hồi điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, Tấn, Tài và Trí biết rõ Phương, Tới, Miền là các đối tượng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trốn truy nã, khi đầu thú đã khai báo gian dối, thông cung, cản trở điều tra, thuộc trường hợp phải bị tạm giam nhưng vẫn cho tại ngoại.

Ngoài ra, Tấn, Tài và Trí cũng biết rõ vụ án buôn lậu này có tổ chức, trong hồ sơ có nhiều chứng cứ, tài liệu chỉ rõ dấu hiệu đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Mười Tường, Út Mạnh và liên quan đến nhiều người khác.

Tuy nhiên, vì động cơ cá nhân, vụ lợi và sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác của bản thân nên Tấn, Tài và Trí chỉ điều tra theo tội danh "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", né tránh điều tra, không áp dụng các biện pháp điều tra, cố ý không thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Năm 2021, vụ án được đưa ra xét xử thì các bị cáo Phương, Tới, Miền thay đổi lời khai, thừa nhận Út Mạnh là chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu nên tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi (khi đó là Giám đốc Công an tỉnh An Giang) đã giao vụ án cho Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra điều tra bổ sung. Kết quả làm rõ được vai trò của Mười Tường và Út Mạnh. Đồng thời chuyển vụ việc có dấu hiệu phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của Tấn, Tài và Trí cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra theo thẩm quyền. Đến giữa tháng 6-2023, Tấn, Tài và Trí lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Tấn 18 tháng tù, Trí 17 tháng tù, Tài 18 tháng tù. Các bị cáo còn bị phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ 2 năm từ khi chấp hành xong hình phạt.

Có thể bạn quan tâm