“Giữ lửa” tò he trên quê hương mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rời làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ông Vũ Văn Chiến mang theo nghề nặn tò he của quê cha đất tổ vào thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) lập nghiệp. Hơn 30 năm qua, ông vẫn tận tụy đưa tò he đến với nhiều người trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo.

"Sống khỏe" với tò he

Qua lời giới thiệu của bạn bè, năm 1994, ông Vũ Văn Chiến quyết định đưa vợ con vào An Khê lập nghiệp. Gia đình ông hiện đang trú tại tổ 13, phường An Phú. Nhắc đến quê hương, ông Chiến tự hào cho biết: Xuân La là làng nghề tò he có lịch sử hình thành khoảng hơn 400 năm. Từ nhỏ, ông đã theo bố rong ruổi đi nặn tò he ở khắp các lễ hội trong làng, ngoài xã. Khi ấy, những cục bột thừa mà bố bỏ lại sau khi hoàn thiện sản phẩm đã trở thành nguyên liệu để cậu bé Chiến mày mò, tập tành nặn tò he.

Với tư chất thông minh và đôi tay khéo léo, đến năm 12 tuổi, ông Chiến đã thành thục các kỹ năng nặn tò he và là người duy nhất trong gia đình 5 anh em theo nghề truyền thống của ông cha.

giu-lua-to-he-tren-que-huong-moi-dd.jpg
Ông Vũ Văn Chiến (tổ 13, phường An Phú, thị xã An Khê) hướng dẫn cháu ngoại cách nặn tò he. Ảnh: N.M

“Nặn tò he xem như một môn nghệ thuật. Ngoài tâm huyết với nghề, người thợ phải có óc thẩm mỹ, sáng tạo mới tạo ra sản phẩm có hồn, bố cục hài hòa, màu sắc bắt mắt. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật mẫu mã mới cũng là việc cần làm nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Có như vậy, nghề truyền thống của ông cha mới tồn tại và phát triển”-ông Chiến chia sẻ.

Bước qua tuổi thất thập và mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm nay, sức khỏe của ông Chiến như bên kia con dốc, mắt mờ, chân chậm. Thế nhưng, đôi bàn tay tài hoa của ông vẫn ngày ngày thoăn thoắt nhào bột, trộn màu và tạo hình thành những con vật, bông hoa hay nhân vật hoạt hình sinh động, bắt mắt.

3t-8412.jpg
Ông Vũ Văn Chiến (tổ 13, phường An Phú) cần mẫn, duy trì, gìn giữ nghề nặn tò he của làng Xuân La trên đất An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Nguyên liệu để làm tò he là bột gạo nếp trộn với bột gạo tẻ, thêm chút nước theo tỷ lệ thích hợp rồi trộn đều, đem luộc chín. Khối bột thành phẩm để nguội, cắt ra thành những cục nhỏ nhuộm với màu sắc được chiết xuất từ các loại củ, quả, lá tự nhiên.

Chẳng hạn màu đỏ từ quả gấc, cây dành dành; màu đen từ cây nhọ nồi, than tre; màu vàng từ củ nghệ; màu xanh từ lá trầu không, lá riềng.

Trước khi nặn, người nghệ nhân phải xoa lòng bàn tay qua lớp mỡ bò nấu với sáp ong để không bị dính và giúp cho tò he trở nên bóng đẹp. “Mấy năm gần đây, gia đình còn sử dụng đất nặn để làm tò he. Đất nặn tuy có độ kết dính kém, song màu sắc tươi tắn, bền đẹp và để lâu không bị mốc; còn bột gạo dẻo, kết dính tốt nhưng khi sản phẩm khô lại thường bị nứt gãy, mau hư hỏng”-ông Chiến giải thích.

Ngồi phụ chồng nặn tò he, bà Đặng Thị Ích cho hay thêm: Tò he, hay còn gọi là con giống bột-một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam và được xem như những tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn với mọi người. Vợ chồng bà thường nặn và bán tò he tại chợ, cổng trường học và tham gia trình diễn nặn tò he ở một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thị xã.

Vào dịp lễ, Tết, ông bà còn bày bán tò he tại các phiên chợ, lễ hội. Mỗi con tò he có giá 20 ngàn đồng. “Nhờ nghề nặn tò he mà vợ chồng tôi nuôi được 5 người con khôn lớn, trưởng thành. Và hơn hết, chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần giữ gìn nghề truyền thống của ông cha ngay trên quê hương mới”-bà Ích vui vẻ nói.

Nhìn nhận về nghề nặn tò he, ông Chiến bảo rằng, nghề này tuy không đem lại sự giàu có nhưng nhờ nó, người dân Xuân La có cuộc sống ấm no hơn. Đã có nhiều nghệ nhân, người dân làng Xuân La như ông tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước hành nghề nặn tò he và vẫn bám trụ với nghề.

Phá lệ làng để giữ nghề

Hàng trăm năm qua, người làng Xuân La chỉ truyền nghề tò he cho con trai và con dâu. Thế nhưng, để nghề truyền thống của mình không bị mai một, ông Chiến đã quyết định phá bỏ lệ làng, trao truyền kỹ thuật nặn hình, tạo dáng tò he đến cách trộn bột, đấu màu (pha màu) cho con rể Đặng Đình Đồng, hiện đang sinh sống tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cũng là một người con của làng Xuân La.

Như nhiều đứa trẻ trong làng Xuân La, tò he là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của anh Đồng. Trước đây, vì không có ý định theo nghề ông cha nên anh đã học nghề làm chăn bông. Sau khi lấy vợ, nhìn thấy bố vợ tạo ra những con tò he sinh động, đẹp mắt và cái cách ông trân quý nghề đã khơi dậy trong chàng rể niềm yêu thích và mong muốn gắn bó với tò he.

giu-lua-to-he-tren-que-huong-moi-dd-2.jpg
Anh Đặng Đình Đồng (con rể ông Vũ Văn Chiến, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) chụp hình cùng khách du lịch bên sản phẩm tò he (ảnh nhân vật cung cấp).

“Thời gian đầu, tôi vất vả với mớ bột, khó khăn lắm mới nặn được 1 bông hoa. Bố vừa động viên, vừa chỉ dạy tận tình. Sau 3 tháng kiên trì học, tôi đã nặn thành thạo 12 con giáp và phụ bố vợ sáng tạo, bán tò he tại một số sự kiện văn hóa, lễ hội trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Bình Định”-anh Đồng kể.

Năm 2022, sau khi vững tay nghề, anh Đồng vào Đồng Nai lập nghiệp và phát triển nghề tò he truyền thống cho đến nay. Đồ nghề anh mang theo gồm que tre, chiếc lược nhựa, hộp sáp ong và 1 thùng xốp để cắm trưng bày những tò he thành phẩm. Anh Đồng đến các điểm du lịch, cổng trường học để quảng bá, giới thiệu và bày bán sản phẩm tò he.

“Tôi không chỉ nặn con rồng, con trâu, heo, gà, sen đá hay các mô hình của đồng bào dân tộc thiểu số như nhà sàn, nhà rông, mà còn nặn được nhiều nhân vật hoạt hình như: Doraemon, Pikachu, mèo Tom, chuột Jerry, chuột Mickey, vịt Donald, Buurin (hiệp sĩ lợn), siêu nhân, công chúa Disney tóc dài, nhân vật Elsa, Anna...

Vậy nên cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều vây quanh ngắm nhìn, háo hức trông đợi từng sản phẩm. Những lúc như vậy, tôi vui và hạnh phúc lắm!”-anh Đồng xúc động thổ lộ.

Tiếng lành đồn xa, một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mời anh Đồng về biểu diễn nặn tò he, tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ.

Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa nghề truyền thống, anh Đồng còn tích cực tham dự các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, triển lãm để quảng bá nét đẹp của nghề nặn tò he, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tìm hiểu.

“Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nặn tò he cho nhiều thanh niên có nhu cầu học hỏi, nghiên cứu. Hy vọng lan tỏa và gặp được người có duyên gắn bó với nghề”-anh Đồng tâm sự.

4t.jpg
Ông Vũ Văn Chiến (bên phải, ở tổ 13, phường An Phú, thị xã An Khê) giới thiệu, quảng bá tò he tại Hội Cầu Huê năm 2025. Ảnh: Ngọc Minh

Yêu thích tò he và được ông ngoại Vũ Văn Chiến truyền dạy nghề, bạn trẻ Phạm Thị Huyền My (SN 2002, tổ 13, phường An Phú, thị xã An Khê) đã biết nặn một số con vật, bông hoa. My hào hứng cho biết: “Ông dạy tôi các bước cơ bản tạo nên một chú tò he đẹp. Đầu tiên là nhào bột, véo bột, se bột trong lòng bàn tay. Kế đến là se bột quanh que tre rồi nặn những hình khối lớn trước, điểm thêm các chi tiết, hoa văn nhỏ sau, theo chiều từ dưới lên trên. Tôi rất vui khi tự tay nặn được những chú tò he ngộ nghĩnh đẹp mắt. Mang những sản phẩm này giới thiệu với bạn bè, ai cũng thích thú”.

Ngắm nhìn sản phẩm tò he do cháu ngoại làm ra, ông Chiến phấn khởi: “Tôi tin rằng, ngày càng có nhiều thanh niên, trẻ em yêu thích món đồ chơi tò he. Khi nào còn được mọi người quan tâm, nghề nặn tò he sẽ có cơ hội duy trì và phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Giữ “hồn trà” trong từng dáng ấm

Giữ “hồn trà” trong từng dáng ấm

(GLO)- Không ít người vừa mê trà vừa có thú sưu tầm ấm. Với họ, chiếc ấm không chỉ để pha trà mà còn là bạn tri âm, lặng lẽ đồng hành trong từng cuộc trà. Họ “dưỡng ấm” như nâng niu một thú chơi đầy tinh tế.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Từ trong câu ca nghĩa tình

Từ trong câu ca nghĩa tình

(GLO)- Trước việc Bình Định-Gia Lai chuẩn bị về một nhà, chuẩn bị một hành trình mới của đất nước, địa phương và cá nhân, người viết chợt nhớ… chuyện xưa, “cố tình” tìm mối liên hệ với những điều nhỏ nhặt.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Nẻo về tháng Tư

Nẻo về tháng Tư

(GLO)- Bước chân trên dải biên cương một ngày tháng Tư nắng đượm, tôi thốt nhiên nhớ tới mấy câu thơ của Nguyễn Bình Phương: “Những cột mốc vùng biên bóng trải xiêu xiêu/Dãy núi oằn lên từng nhịp thở”.

Gió đồng mùa hạ

Gió đồng mùa hạ

(GLO)- Gió từ cánh đồng quê lại thổi tràn qua ô cửa nhỏ, mang theo hương thơm nồng nàn của lúa non và mùi ngai ngái của đất sau cơn mưa đầu mùa.

Mùa rẫy tới

Mùa rẫy tới

Mấy ngày nay thường hay có dông vào buổi chiều. Gió ùn ùn thốc tới. Mây từ dưới rừng xa đùn lên đen sì như núi, bao trùm gần kín khắp bầu trời. A Blưn thấy ông nội lẩm nhẩm tính rồi nói mấy hôm nữa đi phát rẫy.

Di sản Hán Nôm: Khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

Di sản Hán Nôm khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

(GLO)- Có những trầm tích văn hóa nằm im lìm trong những đạo sắc phong cũ kỹ, tờ khế ước ruộng đất phủ bụi thời gian hay văn tế cổ xưa xướng lên nơi đình làng. Tại Gia Lai, kho báu di sản Hán Nôm ấy đang dần được đánh thức, góp phần khai mở lịch sử văn hóa của vùng đất cao nguyên.