Gieo đam mê vào gốc tre làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những bộ bàn ghế sang trọng chế tác từ gỗ hay thân tre dù đắt đỏ đến mấy cũng không lạ, nhưng nếu nguyên liệu là gốc tre thì vô cùng độc đáo.

Người thành công trong việc thổi hồn vào gốc tre để viết nên câu chuyện độc đáo ấy là ông Phan Văn Chánh (52 tuổi; ngụ xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

 

Ông Phan Văn Chánh.
Ông Phan Văn Chánh.

Lùng sục khắp nơi

Ở làng Hanh Đông, xã Đại Thạnh, nhiều người tếu táo gọi ông Chánh bằng biệt danh Chánh "cụt". Ông Chánh nghe thế chỉ cười.

Số là sau một tai nạn cách đây 32 năm, ông mất cánh tay phải. "Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của đời tôi có lẽ là thời khắc cánh tay phải vĩnh viễn lìa xa cơ thể. Vì mải mê vận hành máy ép mía mà tay phải bị chính bộ phận nghiền mía nuốt chửng lúc nào không hay. Tỉnh dậy với bộ dạng không lành lặn, tôi nghĩ số phận mình coi như đặt dấu chấm hết" - ông Chánh kể.

Thế nhưng, ông không để cuộc đời dồn đến bước đường cùng. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông được một lò gạch ở địa phương nhận vào làm thủ kho. Công việc giúp ông thoát cảnh là gánh nặng của vợ con để sống cuộc đời tàn nhưng không phế.

Suốt mấy chục năm ròng, ban ngày ông miệt mài với công việc ở lò gạch. Trời tắt nắng, dân làng lại thấy ông tỉ mẩn vót từng thanh tre bên bờ sông gần nhà rồi đan lát. Ấy là vì ông yêu tre làng đến độ như máu thịt. Yêu tre, quý tre nên ông tỉ mẩn chẻ, vót hết mớ này sang mớ khác để cuối cùng là làm ra những sản phẩm từ sự rắn chắc, khéo léo của cánh tay trái. Đấy là những thúng, rổ mà vợ ông cứ vài bữa lại mang ra chợ bán. May mắn là sản phẩm của ông bán đắt như tôm tươi.

Rồi một hôm, người làng ngạc nhiên khi không còn thấy ông Chánh lui tới lò gạch. Mép sông bên nhà cũng chẳng còn bóng dáng người đàn ông cụt tay ngồi vót nan tre. Đoạn ấy là giữa năm 2012.

Nhớ về quãng thời gian này, ông Chánh bộc bạch: "Tình cờ chứng kiến bụi tre dưới chân cầu Quảng Đợi ở xã bên cạnh bị nước ngoạm bật gốc. Lúc ấy, tôi tần ngần quan sát hồi lâu và nghĩ thương quá, giá mà mình biến những gốc tre xù xì thành một cái gì đó để lưu giữ thì hay quá. Rồi tôi hình dung việc có thể biến các gốc tre này thành bàn ghế. Để tập trung toàn bộ tâm sức, tôi mạnh dạn nghỉ việc ở lò gạch, nghỉ luôn việc đan thúng rổ và bắt tay vào thực hiện ý tưởng chế tác bàn ghế từ những gốc tre bị lũ cuốn trôi về dọc sông".

 

Một sản phẩm bằng gốc tre mới hoàn thành.
Một sản phẩm bằng gốc tre mới hoàn thành.

Ngày đêm hì hục

Ngay trong cái đêm "thai nghén" ý tưởng ấy, quyết tâm của ông Chánh được cụ thể hóa với một bản vẽ chi tiết bộ bàn ghế bằng gốc tre. Sáng hôm sau, ông bắt đầu công việc "săn" gốc tre.

"Nguyên hai năm trời, tôi lặn lội lùng sục khắp nơi để thu gom gốc tre bị lũ cuốn về, hết thì tôi tìm đến nhà ai bán tre rồi mua để lấy gốc. Cứ đôi ba ngày, xe tải vận chuyển gốc tre tập kết về nhà một lần. Cứ thế, số lượng gốc tre chất đầy như núi. Dân làng thấy vậy tặc lưỡi cho là tôi dở hơi" - ông Chánh hào hứng kể.

Nào ngờ, hành động chẳng giống ai của ông Chánh "cụt" đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Một bộ bàn ghế được khai sinh từ gốc tre sang trọng không kém đồ gỗ chính thức được ông "trình làng" vào cuối năm 2014. Hết người này đến người khác kéo đến nhà để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng sắc sảo của bộ bàn ghế độc nhất vô nhị - kết quả từ hành trình "săn" gốc tre không biết mệt mỏi và những ngày đêm hì hục, vất vả của ông Chánh.

Ông Chánh khẳng định trước và sau khi hoàn thành bộ sản phẩm đầu tiên này, ông chưa từng nghe hoặc thấy ai tận dụng gốc tre để làm cả bộ bàn ghế lớn như thế. Bộ bàn ghế đầu tay này chế tác từ tổng cộng 37 gốc tre. Trong đó, ghế dài được lắp ghép bởi 11 gốc, 2 ghế vừa thì mỗi ghế hết 7 gốc, 2 ghế nhỏ hết 8 gốc và 4 chân bàn là 4 gốc.

"Tất cả sau khi trải qua công đoạn cắt tỉa, cưa, đục, đẽo, khoan… sẽ được ráp với nhau bởi các chốt cũng bằng tre và sau cùng là sơn phủ PU. Ngoại trừ mặt bàn và một số chi tiết nhỏ khác, hầu như toàn bộ sản phẩm là chế tác từ gốc tre" - ông Chánh cho biết.

Làm chơi, ăn thiệt

Theo ông Chánh, mặc dù khuyết một cánh tay nhưng trong suy nghĩ lạc quan của ông thì điều đó không có gì trở ngại. Khó khăn duy nhất khiến ông phải nhiều đêm vắt óc suốt quá trình tạo nên bộ bàn ghế chỉ gói gọn trong hai từ "đối xứng".

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Chánh cho hay: "Để tìm ra các gốc tre làm chân ghế, chân bàn quả thật rất gian nan. Bốn gốc tre tạo nên mỗi chiếc ghế hay chiếc bàn phải có hình thù, kích cỡ tương đồng nhau. Nếu không tìm được thì sản phẩm làm ra sẽ nhìn không cân xứng. Việc săn lùng các gốc tre vì thế đòi hỏi phải thực sự kiên trì trước khi nói đến việc đầu tư công sức và thời gian để gọt giũa".

Thoạt đầu, ông Chánh chỉ nghĩ quyết tâm đổ mồ hôi vào mớ gốc tre để làm một bộ bàn ghế độc lạ tạo thú vui. Nào ngờ tiếng lành đồn xa, người tứ xứ tìm tới tận nhà đặt hàng. Rồi trước sự nài nỉ của một vị khách lặn lội từ TP HCM ra, ông đành bán bộ bàn ghế đầu tiên ấy để thu lại ít vốn liếng trang trải tiền chợ.

"Họ thuyết phục mãi, cuối cùng tôi cũng chiều ý và bán với giá 20 triệu đồng. Liên tiếp 2 năm sau, trung bình một năm tôi đóng được 5-6 bộ. Tất cả đều làm theo đơn đặt hàng và có bộ 9 món với giá lên tới 32 triệu đồng. Mỗi chiếc ghế hay chiếc bàn là một món. Chừ nghĩ lại, tôi cũng giật mình vì ai ngờ làm chơi nhưng ăn thiệt" - bật cười hào sảng, ông Chánh "cụt" nói.

Minh chứng rõ nhất cho việc "làm chơi, ăn thiệt" của ông Chánh là số lượng đơn đặt hàng mỗi ngày một nhiều hơn. Riêng từ đầu năm đến nay, ông đã xuất xưởng tổng cộng 7 bộ bàn ghế. Doanh thu mang lại hàng trăm triệu đồng. Số tiền chừng ấy với nhiều người có thể là nhỏ, nhưng suốt mấy chục năm làm thủ kho lò gạch ông chưa bao giờ mơ tới.

Mọi người nể phục

Ông Lâm Đan Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Thạnh, cho biết: "Bây giờ, tất cả đã có cái nhìn khác về ông Phan Văn Chánh. Thay vì dè bỉu như trước, mọi người nể phục khi chứng kiến ông trực tiếp làm ra những bộ bàn ghế vô cùng bắt mắt từ gốc tre. Hy vọng trong tương lai, người dân địa phương sẽ được ông Chánh truyền đạt kinh nghiệm để nhân rộng sản phẩm mới lạ này".

Sẽ cố gắng đẩy mạnh sản xuất

Nói về dự định trong tương lai, ông Phan Văn Chánh bộc bạch: "Hiện tại, trung bình mỗi tháng tôi hoàn thành một bộ bàn ghế bằng gốc tre. Bên cạnh đó, tôi còn đóng thử một số vật dụng khác sử dụng gốc tre như tủ thờ ông địa, tủ tường… Không ít nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã tìm tới để đặt vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, hiện tại tôi vẫn chưa đồng ý. Tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng và rất có thể nay mai sẽ cố gắng đẩy mạnh sản xuất nhằm cung ứng những bộ bàn ghế bằng gốc tre mới lạ đến khách hàng".

Hà Bình/nld

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.