Gieo chữ ở vùng biên, giáo viên phải có 'võ' mới đến được trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi ngày giáo viên trường mầm non Hoa Ngọc Lan, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) phải “đánh vật” với đoạn đường cực kỳ lầy lội dài hàng cây số đến trường. Vào năm học mới, trời mưa triền miên, đường sá chi chít “hố bùn” vẫn không ngăn được bước chân mang nặng tình yêu của người gieo con chữ trên vùng biên giới.

 Đường bùn lầy vào trường mầm non Hoa Ngọc Lan
Đường bùn lầy vào trường mầm non Hoa Ngọc Lan



Cơn mưa giông sáng sớm vừa ngớt, cô Phan Thị Thương - Phó hiệu trưởng trường mầm non Hoa Ngọc Lan đã vội vàng ngồi lên yên xe tiếp tục chuyến hành trình. Nhiều năm nay, cô cùng với nhiều giáo viên khác gắn bó với với con đường kinh khủng lầy lội để đến trường. “Muốn đi qua được con đường này phải có “võ”. Một ngày 2 chuyến đi-về, chúng tôi đã quen rồi. Lâu không đi qua con đường này, nhiều giáo viên lại “nhớ” . Nếu mưa liên hồi sẽ không vào trường đúng giờ được” - cô Thương vừa khó nhọc điều khiển xe, vừa tươi cười chia sẻ với phóng viên.

Người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường của giáo viên là chiếc xe máy. Vừa di chuyển được một lúc, trước mắt chúng tôi lớp bùn càng dày và trơn hơn, chân lún sâu tới cả tấc. “Vào đây không có người đi cùng dễ bị lạc đường. Đi không quen đường, dễ bị ngã. Vào Quảng Trực mà không té xe lấm lem bùn đất thì coi như chưa có gì là kỷ niệm để mang về nhà. Như tôi đi qua đây như ăn cơm bữa, mà hôm kia cũng bị té xe do đường quá trơn trượt” - Một thương lái xiêu vẹo đẩy xe thồ hàng kể.

Bỗng một chiếc xe máy bánh sau xoay tít, khói từ ống xả tuôn mù mịt, tiếng động cơ gầm rú vang rền. Nhiều người phải xúm vào cứu hộ chiếc xe sa lầy. Sau khi ra khỏi đoạn nguy hiểm, chiếc xe máy của tôi luôn phải “đóng” số 1, mới ì ạch nhích được từng mét. Có lúc phải xuống “cuốc” bộ cả đoạn dài. “Đây là lịch trình của chúng tôi. Ngày nào cũng vậy. Quá vất vả, gian khổ. Chỉ có yêu nghề, yêu con trẻ mới là động lực để giáo viên toàn trường vượt lên tất cả!” - Cô Thương tâm sự.

Vất vả là vậy, nhưng niềm tự hào lớn của giáo viên nơi này là chưa từng phải để học sinh chờ đợi, hay phải hủy giờ lên lớp. “Thời gian đầu mới vào nhận nhiệm vụ tại trường, nếu so sánh với các trường ở thị trấn, hay các xã có điều kiện hơn, chúng tôi sẽ không có động lực làm việc, dễ gây chán nản. Giờ thì quen rồi. Tình yêu nghề giúp chúng tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao” - Cô Thương chia sẻ.

Qua hết đoạn đường sình lầy, chúng tôi tiếp tục đến bon Đắk Huých, một trong 3 điểm trường của trường mầm non Hoa Ngọc Lan tại xã Quảng Trực. Điểm trường này được khảo sát kĩ lưỡng, gần khu đông dân cư, thuận lợi cho người dân đưa đón con em đi học. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng nổi nhu cầu dạy và học. Cô Võ Thị Luyên được phân công là giáo viên chính. “Dù gần khu đông dân cư, nhưng điểm trường chưa đấu nối điện trực tiếp mà phải xin “ké” một hộ dân. Sân trường nền đất ẩm thấp, về mùa mưa thì không có không gian vui chơi cho con trẻ. Điểm trường cũng không có phòng nghỉ công vụ cho giáo viên, nên cô mà ở lại thì ngủ chung với học sinh, hoặc phải tận dụng phòng trống để giáo viên tá túc” - cô Luyên chia sẻ.

Cô Luyên nhà cách nơi dạy chừng 2 km, sáng phải đi sớm, chiều về chăm con. Mỗi mùa một cái khổ không “trùng” nhau. Mùa mưa thì đường bùn sình lầy, di chuyển muôn vàn khó khăn. Mùa khô thì “khát” nước sạch. Điểm trường chưa có công trình giếng nước sinh hoạt, nên các cô đã xin phụ huynh mỗi lần đưa con đến trường chịu khó “kèm” thêm 1 can nước 20 lít để phục vụ việc ăn uống cho con trẻ. “Mùa này, chúng tôi phải đến trường sớm, đến nhà dân xin nước để đun sôi pha sữa, nước uống cho học sinh. Bao năm qua, cô trò cùng với phụ huynh phải giúp đỡ nhau vượt khó” - Cô Luyên nói.

Hiện nay, lãnh đạo của trường mầm non Hoa Ngọc Lan đã xin nhiều nơi, đề nghị đầu tư giếng nước và điện sinh hoạt cho điểm trường bon Đắk Huých, nhưng vẫn chưa có kết quả. Những giáo viên yêu nghề, bám bon làng lâu năm như cô Luyên và nhiều giáo viên khác cũng đang mơ ước có được nơi ăn chốn ở khang trang cho học sinh và nơi lưu trú cho giáo viên để có điều kiện trong việc dạy và học.


 

 Giáo viên và học sinh trường mầm non Hoa Ngọc Lan
Giáo viên và học sinh trường mầm non Hoa Ngọc Lan



Vận động con em đến trường

Năm nào cũng thế, đầu năm học giáo viên vùng biên giới huyện Tuy Đức phải băng rừng vận động nhiều gia đình đưa con em đến trường đúng thời gian. “Khai giảng đầu tháng 9, nhưng từ đầu tháng 8 chúng tôi phải cắt cử nhiều giáo viên đi khắp các quả đồi tìm gặp cha mẹ học sinh, nhắc nhở họ sớm đưa con đến trường” - cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Ngọc Lan cho biết.

Còn mùa mưa cũng là lúc người dân địa phương, nhất là đồng bào người bản địa vào rẫy để tỉa lúa, tỉa ngô hoặc đi rừng kiếm lá bép, đọt mây, bắt cá suối… Do đó, những đứa trẻ cũng theo chân bố mẹ. Khi vào trong rừng sâu, gặp những trận mưa lớn, kéo dài là không có đường ra đành phải ở lại tuần lễ, thậm chí cả tháng trời, nên nhiều em không có mặt đông đủ tại ngày hội tựu trường. “Mùa mưa ở  đây trở thành nét đặc thù thể hiện sự khó khăn của một vùng đất. Hằng năm, cứ mùa mưa, chúng tôi đều đến từng nhà vận động gia đình có con em đang trong độ tuổi đến trường, để các em không bỏ học giữa chừng. Giáo viên phải mang ủng, lội bộ hàng km vào tận rẫy của người dân. Niềm vui lớn của chúng tôi, sau những lần vận động, là hầu hết các gia đình đều đưa con em đến trường đông đủ!”-cô Thủy kể.

Cách đó không xa, giáo viên Trường THCS Bu Prăng, cũng có hoàn cảnh tương tự, họ phải vất vả trèo đồi để thông báo ngày khai trường, vận động các em nghỉ học đến lớp. Đời sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn và thiếu thốn. Do vậy, người dân phải huy động cả con cái lên rẫy, cùng gia đình lao động kiếm sống.

Vũ Long (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.