Giấy phép lái xe có 12 điểm, trừ hết sẽ không được lái trong 6 tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quốc hội vừa thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1.1.2025, với hàng loạt quy định mới liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Bị trừ hết điểm sẽ phải học lại kiến thức về giao thông

Theo quy định tại luật, mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) của người lái xe thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Nếu vi phạm, GPLX sẽ bị trừ số điểm tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi. Thông tin về điểm trừ GPLX sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người vi phạm biết. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về các lỗi vi phạm bị trừ điểm, điểm trừ của từng lỗi, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.

Từ 1.1.2025, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGTĐB của người lái xe. ẢNH HOÀNG TUÂN

Từ 1.1.2025, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGTĐB của người lái xe. ẢNH HOÀNG TUÂN

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm thì được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB do CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết mỗi năm có khoảng 500.000 GPLX bị tước, khiến tài xế không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, lao động, sản xuất kinh doanh. Nhiều người vi phạm chấp nhận bỏ GPLX, dẫn tới tồn đọng, lãng phí rất lớn. Quy định về trừ điểm GPLX mang tính nhân văn hơn, nếu chưa bị trừ hết điểm thì tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động như đã nêu.

Có ý kiến đề nghị giao Bộ GTVT tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB để phục hồi điểm GPLX, thay vì giao cho lực lượng CSGT, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

UBTVQH cho hay kiểm tra kiến thức trong trường hợp trên không phải là sát hạch lại để cấp GPLX, nhưng sẽ có nội dung tương tự sát hạch lý thuyết cấp GPLX. Việc giao cho CSGT kiểm tra là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi được cấp GPLX, cả về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, sức khỏe, tâm lý, tinh thần và hành vi tham gia giao thông.

GPLX được cấp trước ngày luật mới có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. Người học lái xe đã hoặc đang được đào tạo trước ngày luật mới có hiệu lực mà chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo phân hạng mới.

Xe chở học sinh phải có thiết bị "chống quên"

Một nội dung mới rất quan trọng tại luật TTATGTĐB là siết chặt quy định về đảm bảo TTATGT đối với ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Việc này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn các vụ việc bỏ quên học sinh trên xe gây hậu quả đau lòng xảy ra thời gian qua.

Cụ thể, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Ngoài ra, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Cùng đó là phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định pháp luật.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, mỗi xe phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Luật cũng nêu rõ lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bảo đảm TTATGTĐB trong việc tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh không chỉ đối với cơ sở giáo dục, ngành giáo dục mà còn trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

UBTVQH cho biết bảo đảm TTATGTĐB nói chung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của toàn xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm chính bảo đảm TTATGTĐB trong việc tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh là của cơ sở giáo dục có trẻ em mầm non, học sinh học tại cơ sở đó. Vì vậy, nội dung này được quy định như đã nêu.

Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước

Theo quy định tại luật TTATGTĐB, người lái xe và người được chở trên ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông. Trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe chỉ có một hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Ngoài ra, trẻ em dưới 7 tuổi, người khiếm thị, người mất năng lực hành vi dân sự khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ các đối tượng này khi đi qua đường.

Thanh tra giao thông không còn được quyền dừng xe

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định 2 lực lượng được quyền dừng phương tiện, gồm CSGT và thanh tra giao thông (TTGT). Kể từ 1.1.2025, luật TTATGTĐB quy định lực lượng duy nhất được quyền dừng phương tiện là CSGT (hoặc lực lượng khác trong CAND được huy động phối hợp). Điều này thống nhất với luật Đường bộ cũng được Quốc hội thông qua mới đây, khi quy định TTGT có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm giao thông "tĩnh" như đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ…

Sự thay đổi nêu trên nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và lực lượng TTGT, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).