Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Giáo dục trực quan qua phiên tòa giả định về tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều phiên tòa giả định liên quan đến tảo hôn đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức thành công. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về tảo hôn và xâm hại tình dục trẻ em.

Trong tháng 7 và 8-2023, Tòa án nhân dân huyện Chư Păh phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân, Hội Luật gia huyện và UBND 2 xã Ia Nhin, Ia Phí đã tổ chức 2 phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Mỗi phiên tòa thu hút hơn 300 người dân địa phương đến theo dõi, trong đó, đông nhất là các em học sinh và thanh-thiếu niên.

Quang cảnh phiên tòa giả định về tảo hôn tại Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: M.T

Quang cảnh phiên tòa giả định về tảo hôn tại Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: M.T

Theo ông Nguyễn Văn Bảo-Chánh án Tòa án nhân dân huyện Chư Păh, tại phiên tòa giả định, kiểm sát viên và hội đồng xét xử đã phân tích, đánh giá hành vi phạm tội; lên án, phê phán và chỉ ra những hệ lụy của hành vi xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời, áp dụng pháp luật và tuyên hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo.

“Trong quá trình xét xử và tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử và kiểm sát viên còn lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh với bị cáo để giúp người xem tiếp thu kiến thức pháp luật hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, các phiên tòa giả định đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số về những hệ lụy của tảo hôn đối với bản thân, gia đình và xã hội; từ đó, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chung tay đẩy lùi vấn nạn tảo hôn trên địa bàn”-ông Bảo cho biết.

Anh Rơ Châm Pyat-Trưởng thôn Yang 2 (xã Ia Phí) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia phiên tòa giả định tại địa phương. Với hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, chúng tôi dễ dàng theo dõi, nắm bắt được những quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ sở để tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trong làng không tổ chức kết hôn khi con em chưa đủ tuổi. Tôi mong rằng thời gian tới, các đơn vị sẽ tổ chức thêm những phiên tòa giả định tương tự để giúp cho việc tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn đạt hiệu quả”.

Trước đó, cuối năm 2022, phiên tòa giả định về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng đã được tổ chức tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Mến, với đặc thù 100% học sinh dân tộc thiểu số, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình; tư vấn, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt nội trú. Tuy nhiên, những mô hình tuyên truyền trực quan, sinh động như phiên tòa giả định mà các ngành phối hợp tổ chức là vô cùng cần thiết và mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật.

Em Đinh Thị Mai Ca (lớp 8A) chia sẻ: “Không chỉ chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử của một vụ án, tại phiên tòa giả định, chúng em còn được tham gia trả lời những câu hỏi liên quan đến pháp luật. Em hiểu rằng, tảo hôn để lại rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, đời sống cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, em sẽ cố gắng học tập thật tốt và tích cực tuyên truyền để người thân, bạn bè của mình không kết hôn khi chưa đủ tuổi”.

Mới đây, vào ngày 29-10, Huyện Đoàn, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chư Prông cũng đã phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em tại Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ia Lâu).

Phiên tòa giả định được xây dựng với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh. Phần xét hỏi, tranh luận của hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, bị cáo, trợ giúp viên pháp lý… đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, trong đó nhấn mạnh đến những quy định về tảo hôn, tổ chức tảo hôn, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có hành vi phạm tội xảy ra.

“Khi hiểu rõ được các hành vi vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em, các bạn học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn sẽ nâng cao nhận thức pháp luật đối với nhóm tội này; từ đó, có kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân và trở thành những tuyên truyền viên trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn”-anh Nguyễn Thế Sơn Kiên-Bí thư Đoàn xã Ia Lâu-nhìn nhận.

Có thể bạn quan tâm

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Với 294 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ khai thác cát, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 đã chỉ đạo "rửa tiền" phục vụ mục đích chi tiêu cá nhân như mua nhiều xe sang, nhà đất. Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 50 tỷ đồng, kê biên 40 bất động sản đảm bảo công tác thi hành án.