Phúc thẩm vụ án mua bán người từ Việt Nam qua Campuchia:

Giảm hình phạt cho 2 bị cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Ngày 22-9, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi” xảy ra tại tỉnh Gia Lai đối với 2 bị cáo Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) và bị cáo Phan Ngọc Đức (SN 1990, trú tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An).

Bị cáo Trần Quang Quyết (bìa phải) và Phan Ngọc Đức. Ảnh: R'Ô HOK

Bị cáo Trần Quang Quyết (bìa phải) và Phan Ngọc Đức. Ảnh: R'Ô HOK

Phiên tòa kết nối từ điểm cầu trung tâm-Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng với điểm cầu thành phần-Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, đồng thời, được truyền trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống. Đây cũng là phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Như Báo Gia Lai điện tử đưa tin, trước đó, ngày 13-7, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt bị cáo Trần Quang Quyết 15 năm tù về tội “Mua bán người” và 14 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” tổng hình phạt là 29 năm tù. Bị cáo Phan Ngọc Đức 15 năm tù về tội “Mua bán người” và 13 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” tổng hình phạt là 28 năm tù.

Tuy nhiên, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, cả 2 bị cáo đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó bị cáo Đức đề nghị xem xét đối với tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, khoảng tháng 10-2021, Phan Ngọc Đức qua Campuchia làm việc cho sòng bài. Tại đây, Đức xảy ra mâu thuẫn đánh nhau nên người quản lý yêu cầu gọi điện thoại cho gia đình gửi tiền chuộc. Sau khi được chuộc, Đức nghỉ ở chỗ làm nhưng vẫn tiếp tục ở lại Campuchia.

Tiếp đó, ngày 20-11-2021, Trần Quang Quyết bị lừa bán vào Công ty Game 8KBET ở Campuchia. Sau đó, công ty này yêu cầu Quyết gửi tiền chuộc. Khi được chuộc ra, Quyết quay về Việt Nam. Đến ngày 14-4-2022, Quyết tiếp tục qua Campuchia làm việc cho 1 công ty khác. Làm được một thời gian, Quyết tiếp tục bị công ty đuổi việc và bị Phương (người quản lý công ty) yêu cầu Quyết gọi điện về gia đình gửi tiền chuộc 90 triệu đồng. Do gia đình chỉ gửi được 70 triệu đồng, nên Phương nói Quyết nếu tuyển được vào làm thì công ty sẽ trừ hết số tiền nợ còn lại.

Để có tiền trả nợ, ngày 18-6-2022, Quyết sử dụng tài khoản Facebook kết bạn với tài khoản Facebook của Cầm Bá Sáu (trú tại làng KLoong, xã Ia O, huyện Ia Grai) để tuyển người này đi làm cho công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh với mức lương 18-20 triệu đồng/tháng, nhưng bị Sáu từ chối. Sau đó, Quyết tiếp tục nhờ Sáu tìm người giới thiệu cho mình.

Lúc này, Sáu đến gặp Puih Đại (cùng làng KLoong) kể lại toàn bộ nội dung trên cho Đại. Đồng thời, Sáu cho Quyết và Đại nói chuyện, trao đổi qua điện thoại với nhau về công việc và mức lương. Tin lời, Đại rủ thêm Puih Chiêu, Puih Môi, Ksor Juội và Puih Phú (SN 2006, trú cùng làng KLoong) đi làm cùng thì tất cả đồng ý.

Khoảng 21 giờ ngày 19-6-2022, Quyết thuê xe khách chở nhóm của Đại vào TP. Hồ Chí Minh rồi trực tiếp gọi điện thoại cho Phương nói có người muốn vào công ty làm. Sau khi Phương cho người đến xem thì biết nhóm của Đại là người dân tộc thiểu số nên Phương từ chối không nhận. Lúc này, do không có tiền trả cho xe khách, Quyết nhờ Nghĩa (không rõ nhân thân lai lịch) giới thiệu đưa nhóm của Đại qua Campuchia trái phép.

Ngay sau đó, Nghĩa gọi điện thoại cho Phan Ngọc Đức rồi kết nối để Quyết và Đức nói chuyện, trao đổi thương lượng về giá cả. Đức thỏa thuận trả cho Quyết 700 USD/người. Nhận người từ Quyết, Đức đã thuê người khác đưa 5 bị hại qua Campuchia trái phép. Tại đây, Đức tiếp tục chuyển giao các bị hại cho Công ty Verus (Campuchia) và thu được số tiền 13.000 USD (tương đương số tiền 299 triệu đồng) rồi chia nhau với Quyết 130 triệu đồng.

Trong thời gian này, tại xã Ia O, khi nghe tin nhóm của Đại đi làm cho Công ty vi tính ở TP. Hồ Chí Minh được trả lương cao, Puih Thái và Ksor Liẽc (cùng trú làng KLoong) đã nhờ người khác liên hệ giúp. Cũng với thủ đoạn tương tự, Quyết và Đức phối hợp với nhau rồi thuê người khác đưa 2 người này qua Campuchia trái phép. Cuối tháng 6-2022, Đại, Thái thông qua mạng xã hội liên lạc về cho gia đình để thông báo cả nhóm đã bị lừa, đánh đập, ngược đãi. Nghe tin, gia đình của các bị hại đã trình báo cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Sau đó, Đức và Quyết đã lần lượt đến các cơ quan chức năng ở địa phương đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Theo cơ quan điều tra, tại thời điểm 2 đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, Puih Phú là người chưa đủ 16 tuổi.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Ảnh: R.H
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Ảnh: R.H

Tại phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của các bị cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể, tuyên phạt bị cáo Trần Quang Quyết 13 năm về tội “Mua bán người” và 11 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt 24 năm tù. Bị cáo Phan Ngọc Đức 13 năm tù về tội “Mua bán người” và 10 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt 23 năm tù.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.