Giải ngân đầu tư công 2020: Nhiều dự án đang ỳ ạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), ước giải ngân vốn đầu tư công tính đến 31.10.2020 là 321.529,41 tỉ đồng đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, dự báo có nhiều dự án ĐTC không thể về đích đúng hạn.

 Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.827,32 tỉ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.827,32 tỉ đồng. Ảnh: Nhã Chi


Nhiều dự án trọng điểm đang ỳ ạch

Mặc dù nêu con số giải ngân (ước tính) đến 31.10.2020 là 321.529,41 tỉ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỉ đồng), trong khi đó cùng kỳ năm 2019 đạt 49,83% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, còn 8 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương là tỉnh Đồng Nai tốc độ giải ngân chỉ đạt tỉ lệ dưới 20%. Bộ KHĐT cũng chỉ ra nhiều dự án đang tiến hành với tốc độ “rùa bò” và đang rất xa đích, khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ.

Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đến ngày 31.10, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 7.371.000 trên tổng 9.467.947 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 77,95%. Mặc dù Bộ KHĐT cho rằng, với tỉ lệ gần 78% kế hoạch, dự kiến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông về cơ bản đáp ứng kế hoạch giải ngân theo kế hoạch đề ra, nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều bày tỏ lo ngại: Những phần “ngon” dễ thực hiện để giải ngân của dự án đều được triển khai thực hiện trước, phần còn lại thường “xương” và khó thực hiện hơn, nhiều vướng mắc hơn thường được để lại để thực hiện sau, nên nếu không đẩy nhanh tiến độ và giám sát, thúc đẩy rốt ráo, tiến độ cũng sẽ khó đảm bảo.

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đây là dự án được giao ĐTC trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỉ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn giai đoạn 2018-2020 là 18.195,035 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, tình Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thúc đẩy tốc độ giải ngân. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay mới dừng lại ở 3.711,791 tỉ đồng, chỉ đạt 20,4% kế hoạch được giao, trong đó giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện giải ngân đồng thời cam kết hoàn thành xong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực xây dựng cảng hàng không (5.000ha) và sẽ giải ngân toàn bộ số vốn năm 2020 đã giao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với tỉ lệ giải ngân như hiện nay, dự án này khó có thể về đích đúng hạn.

Được biết, năm 2020, Đồng Nai được Chính phủ giao hơn 25.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Nguồn vốn trên dùng để giải ngân các dự án quan trọng của Trung ương, tỉnh, cấp huyện trên địa bàn. Thế nhưng, tốc độ giải ngân tại Đồng Nai chậm hơn so với bình quân chung cả nước gần 10%.

Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có mức đầu tư 4.827,32 tỉ đồng, sử dụng 100% vốn Ngân sách Nhà nước. Tại Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15.4.2020, Thủ tướng đã giao 932 tỉ đồng kế hoạch ĐTC trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Bộ GTVT đã có Quyết định số 914/QĐ-BGTVT ngày 29.4.2020 giao 932 tỉ đồng cho dự án (số vốn còn lại là 3.895,32 tỉ đồng còn lại, Bộ GTVT sẽ cân đối trong kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025). Tuy nhiên, đến ngày 26.10.2020, dự án mới giải ngân được 393 tỉ đồng trong số 932 tỉ đồng được giao.

Cũng theo báo cáo của Bộ KHĐT, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỉ lệ giải ngân đến 31.10.2020 đạt trên 70%; 18 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

“Gõ” trách nhiệm người đứng đầu

Theo Bộ KHĐT, hiện nay, số vốn ngân sách nhà nước năm 2020 còn lại chưa giao chi tiết là 13.750,88 tỉ đồng trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.494,729 tỉ đồng. Cụ thể: Bộ, cơ quan trung ương là 7.044,125 tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương trong nước là 2.588,512 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 4.455,613 tỉ đồng).

Các địa phương là 450,604 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước là 79,996 tỉ đồng; vốn nước ngoài là 370,608 tỉ đồng của tỉnh Ninh Thuận, Đắc Nông, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai địa phương là Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm tại Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23.10.2020.

Bội trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tốc độ giải ngân ĐTC 10 tháng năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu mà Chính phủ đề ra. Do đó, Bộ KHĐT đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tập trung cho các công tác đại hội Đảng, cần xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020. Để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ then chốt để tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ cơ bản như: Người đứng đầu đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ;

“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư do mình quản lý, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nahnh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn có các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt có nhu cầu vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2020 và những năm trước chuyển sang; tập trung tháo gỡ khó khăn, giải ngân tối đa nguồn vốn Ngân sách Nhà nước được giao theo kế hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

 


* Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh: Phải đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA. Phải dứt khoát gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy phụ trách công việc này. Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, TPHCM cần làm gương.

* Theo Bộ KHĐT, số vốn NSNN năm 2020 còn lại chưa giao chi tiết là 13.750,88 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.494,729 tỉ đồng. Cụ thể, bộ, cơ quan trung ương là 7.044,125 tỉ đồng; các địa phương là 450,604 tỉ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KHĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm 441,857 tỉ đồng (trong đó có 329,9 tỉ đồng chưa phân bổ) để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác. Trong hội thảo mới đây ở TPHCM, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, cũng cho rằng: Trong năm 2021, đầu tư công vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.

http://https://laodong.vn/thoi-su/giai-ngan-dau-tu-cong-2020-nhieu-du-an-dang-y-ach-858258.ldo

 

Theo VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.