Gia tăng tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đang có chiều hướng gia tăng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là nhiều vụ việc có rất đông đối tượng tham gia, không chỉ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại cơ sở mà còn để lại hậu quả hết sức đau lòng.

Đã hơn 20 ngày trôi qua nhưng người dân làng Klót (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) vẫn chưa hết xôn xao về cái chết của anh Rô Sin (SN 1982, trú tại làng Klót). Để xảy ra sự việc này lỗi lớn là do Sin, nhưng điều mọi người thấy phẫn nộ là hành vi gây án theo kiểu bất chấp pháp luật của các đối tượng. Theo đó, vào khoảng 10 giờ ngày 2-9, Sin đến nhà ông H’Nhưch (trú cùng làng) để uống rượu với một số người dân trong làng. Lúc này, H’Nhen (SN 2001, con gái ông H’Nhưch) cũng ngồi chơi ở đó. Đến 14 giờ cùng ngày, H’Nhen không ngồi chơi nữa mà sang nhà chị gái là Kưn để uống rượu. Khoảng 15 giờ 30 phút, cảm thấy đã say nên H’Nhen nhờ chị gái chở về nhà để ngủ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đến khoảng 17 giờ, khi bất chợt tỉnh dậy, H’Nhen thấy Sin đang thực hiện hành vi hiếp dâm mình nên đã đẩy Sin xuống giường rồi chạy ra hô hoán mọi người đến bắt giữ Sin, đồng thời đi báo với người nhà.

Ngay khi nghe tin em gái bị hiếp dâm, D’Run (SN 1991), H’Loi (SN 1985), đều là anh rể H’Nhen và nhiều người khác kéo đến nhà H’Nhen.Tại đây, dù Sin đã nhận lỗi nhưng thay vì trình báo với chính quyền, H’Thanh (SN 1992, chị gái H’Nhen), D’Run, H’Loi, ông H’Nhưch, bà Yak (mẹ H’Nhen) và Kưn lại lao vào đánh đập Sin. Cùng lúc đó, Cưu (SN 1997, trú tại làng Klót), G’Lol (SN 1995, trú tại làng Kop, xã Kon Gang) đi uống rượu về ngang qua nghe sự việc H’Nhen bị hiếp dâm, dù không liên quan gì nhưng cũng lao vào tiếp tục đánh đập Sin khiến nạn nhân gục xuống đất. Thấy Sin nằm bất động, Đinh Duyên (SN 2000, trú tại làng Klót) lấy nước tạt vào người cho Sin tỉnh dậy để mọi người tiếp tục đánh đập. Đến 17 giờ 40 phút, nhận được tin báo của nhân dân về vụ việc, lực lượng Công an xã Kon Gang đã đến xử lý và dùng xe máy chở Sin đi cấp cứu.

Tuy nhiên, khi xe máy của Công an xã chở Sin ra đến đường nhựa thì H’Thanh, H’Loi chạy theo nắm chân Sin kéo giật lại, khiến nạn nhân ngã đập đầu xuống đường. Ngay lúc đó,  nhiều người lại tiếp tục lao đến đánh đập, đạp vào đầu Sin. Thấy vậy, người dân xung quanh và lực lượng Công an xã ra sức ngăn cản để đưa Sin đến Trạm Y  tế xã sơ cứu. Thế nhưng, người nhà của H’Nhen vẫn không chịu dừng lại. Khi Sin đang được các cán bộ y tế sơ cứu thì các đối tượng trên tiếp tục lao vào đánh đập. Dù được kịp thời chuyển lên bệnh viện tuyến trên cấp cứu nhưng đến 11 giờ ngày 3-9, Sin đã tử vong. Do vụ việc phức tạp, có sự tham gia của nhiều người nên Công an huyện Đak Đoa đang sàng lọc, lấy lời khai để điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Ngoài các vụ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì tình trạng thanh niên các thôn, làng tụ tập thành nhóm mang theo hung khí tìm đánh nhau cũng thường xuyên xảy. Cách đây vài tháng, Công an huyện Chư Pah đã kịp thời ngăn chặn vụ ẩu đả giữa nhóm thanh niên làng Kó (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) và nhóm thanh niên xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Theo đó, do có mâu thuẫn từ trước nên vào ngày 16-3, 9 đối tượng từ 14 tuổi đến 22 tuổi, ở xã Hà Bầu điều khiển xe máy mang theo hung khí đến làng Kó tìm đánh 3 thanh niên tại đây. Sau khi tìm không thấy 3 thanh niên này, các đối tượng bỏ về.  Trên đường về, phát hiện 4 thanh niên làng Kó ngồi chơi trên đường làng, dù không liên quan gì nhưng 9 đối tượng này vẫn lao vào đuổi đánh khiến anh Hrin (SN 1998) bị thương ở tay. Xét thấy hành vi của nhóm đối tượng trên chưa đến mức khởi tố hình sự, Công an huyện Chư Pah đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phối hợp với chính quyền xã Chư Đăng Ya, xã Hà Bầu đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ thanh niên giữa các làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến đánh nhau, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016.  Địa bàn xảy ra chủ yếu là các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa, Phú Thiện, Chư Pah...

Thiếu tá Trần Văn Linh-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pah, cho biết: “Hầu hết các vụ mâu thuẫn giữa thanh niên các làng là do nguyên nhân xã hội, như: tình cảm trai-gái, bông đùa trong lúc vui chơi, va chạm giao thông…  Sau khi phát sinh mâu thuẫn, những người trong cuộc thường tụ tập bạn bè để sử dụng rượu, bia rồi kể lại cho mọi người cùng nghe. Trong trạng thái tâm lý bị kích động sau khi sử dụng rượu, bia, các đối tượng đã rủ nhau chuẩn bị hung khí đi giải quyết mâu thuẫn. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân để ngăn chặn, không để kéo dài…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm