Gia tài cha để lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với cha tôi, nhường nhịn là một cách yêu thương; thứ ông nhận lại đó là bình yên của gia đình và tâm hồn thanh thản.

Cho đến giờ phút này, cha tôi - người đàn ông đã bước sang tuổi 67 - vẫn phải miệt mài bươn chải. Nắng, bóng cha lêu nghêu chạy dài trên những ngọn đồi để vác từng thanh củi. Mưa, dấu chân cha lại in đầy trên khoảnh vườn sau nhà để vun từng luống khoai, luống đậu, cắt cỏ cho dê. Dường như cha tôi chưa từng có giây phút nghỉ ngơi cho riêng mình mà đến lứa tuổi này người ta cần phải nghỉ. Có lúc, tôi từng tự hỏi: "Cha vất vả cả đời, có gì để lại cho chúng tôi?".


 

Cha và mẹ tôi trong một chuyến hành hương
Cha và mẹ tôi trong một chuyến hành hương


Những năm tháng nhọc nhằn nơi đất khách

Năm 1983, khi tôi còn nằm trong bụng mẹ thì cha tôi dắt díu vợ con từ Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) vào vùng đất gần ga Trảng Táo (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để mưu sinh. Cha tôi, thuở đó mới ngoài đôi mươi, mang theo trong mình bầu nhiệt huyết và phiêu lưu của tuổi trẻ với khao khát đổi đời nơi đất khách.

Trong ký ức non nớt của mình những năm tháng cũ, tôi vẫn còn nhớ rõ nhà tôi giữa bốn bề cây cối, cửa nhà hướng về phía đường ray xe lửa. Hồi đó, không chỉ nhà tôi mà mọi ngôi nhà ở đây đều quay mặt về hướng đường ray. Chọn đường ray rải đầy đá là lối di chuyển chính thay vì những con đường rừng đầy muỗi, vắt và nỗi ám ảnh của căn bệnh mang tên sốt rét. Chọn đường ray bởi trên đường ray còn có ánh sáng từ những chiếc đèn măng-sông tỏa sáng ở nhà ga, trên những đầu ghi nằm rải rác xua tan cái âm u, vắng vẻ lâu lâu nghe tiếng sột soạt của heo rừng sát vách hay tiếng voi gầm rú đâu đó trong rừng.

Ám ảnh là vậy nhưng không còn lựa chọn nào khác, người dân vẫn cứ phải dựa vào rừng mà sống. Mỗi sáng, cha tôi lại vào rừng với chiếc cưa, chiếc búa trên tay cùng chiếc giỏ lác với cơm trắng gói trong tàu lá chuối, một ít muối hột và chiếc bi-đông đựng đầy nước. Cuối ngày, cha trở về nhà với vài bó củi khô buộc bằng dây rừng chất ở góc nhà, đợi chờ những chuyến tàu đêm để mẹ xuôi về Biên Hòa, Sài Gòn đổi lấy gạo, mắm muối, họa hoằn lắm là một vài con cá khô mặn chát để dành. Những ngày không đi lấy củi, cha lại vỡ đất khai hoang trồng bắp, trồng điều.

Cha đầu tắt mặt tối nhưng nhà chẳng mấy khi đủ ăn. Lắm lúc mẹ phải đi nhặt nhạnh mớ rau tàu bay hay đào củ mài ăn chống đói. Anh em chúng tôi sinh ra, hết đứa này đến đứa khác cứ ốm yếu, xanh xao, nhất là với đứa em gái duy nhất trong nhà.

Mãi đến năm 1990, cha mẹ tôi mới biết em gái tôi mắc phải căn bệnh tim to trong một lần đi khám. Em bệnh, gia đình tôi càng khó khăn hơn trước. Mẹ thường xuyên đưa em vào Bệnh viện Thánh Tâm (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Cha vừa phải gánh gồng khoản tiền thuốc cho em vừa phải chăm thêm 3 đứa nhỏ ở nhà. Nỗi nhọc nhằn cứ trĩu nặng vai cha.

Nhưng có một điều lạ là trong ngần ấy năm trời, dù ở những thời điểm khó khăn nhất, tôi chưa bao giờ thấy cha nửa lời than thở. Dường như với cha tôi, mỗi người sinh ra đều có số phận của riêng mình đã được an bài từ trước nên cứ đón nhận một cách nhẹ nhàng. Và nó như một phép mầu để em gái tôi sau này khỏe lại lấy chồng, sinh con, không như dự đoán của bác sĩ năm nào.

 

Gia đình tôi trước căn nhà cha mẹ ở quê
Gia đình tôi trước căn nhà cha mẹ ở quê


Quyết định của cha làm thay đổi cuộc đời

Anh em tôi lớn dần lên cũng là lúc cha không chỉ lo về cái ăn mà còn chuyện học hành. Hồi đó, cả vùng này không có trường học, ngoại trừ một thầy giáo già ở gần nhà ga thương tình dạy cho lũ trẻ đọc chữ đánh vần, biết làm tính nhân tính cộng. Lũ trẻ chúng tôi cứ như cái cây giữa rừng thiếu người chăm sóc khi cha mẹ phải quần quật kiếm miếng ăn nên cũng không thích chuyện học hành, chỉ mong lớn nhanh để một ngày đủ sức vác trên vai mình bó củi, khúc cây hay đi rừng, đi rẫy. Vậy nên, khi hay tin cha quyết định đưa tôi về ngoại để bắt đầu việc học, với một đứa trẻ 7 tuổi như tôi lúc đó là khóc, giận dỗi bỏ ăn. Trong suy nghĩ của mình, cha không thương tôi nên mới bắt tôi rời xa nhà; không như thằng Ánh, thằng Kiên ngày ngày được đi bẫy chim, đá dế. Nhưng cuối cùng sự cứng đầu của tôi không đủ để làm cha tôi lay chuyển, đành phải ngoan ngoãn theo cha về với ngoại ở Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cách nhà mình ngót nghét 70 cây số.

Tôi đi trước. Vài năm, các em tôi lần lượt nối gót đi theo. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa rừng cây chỉ còn lại cha với mẹ, trước khi đứa em út của tôi chào đời năm 1996. Mỗi năm anh em chúng tôi chỉ được về nhà hai lần vào dịp Tết và nghỉ hè. Đó cũng là khoảng thời gian gia đình tôi đông vui nhất.

Đến bây giờ, nghĩ lại, tôi thấy quyết định ngày đó của cha hoàn toàn không phải dễ, khi phải chia tách những đứa con còn quá nhỏ rời khỏi gia đình. Nhưng nếu ngày đó cha tôi chấp nhận để chúng tôi ở nhà như bao người khác nơi đây thì chúng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội để bước ra khỏi cánh rừng dựng thân lập nghiệp. Dù bây giờ không giàu nhưng ít ra mỗi đứa con của cha đều có cái nghề để nuôi sống bản thân bớt phần cực nhọc, không giống như cha.

Luôn có bóng cha thầm lặng bên đời

Sẽ không quá khi nói rằng về vật chất, cha không có gì để lại cho chúng tôi. Bởi nếu có, cha mẹ tôi bây giờ không phải ở trong căn nhà gỗ cũ kỹ, rong rêu phủ đầy mái ngói đã mấy chục năm qua mà mỗi trận mưa to, nước từ các viên ngói bị vỡ rơi xuống lênh láng khắp nhà. Mảnh vườn đã bị cắt đi vài phần để bán cho những lần anh em chúng tôi bước chân vào đại học, giờ còn lại chẳng đáng là bao. Tôi đã từng nhìn vào những thứ đó để rồi không ít lần than thở: "Cha mẹ giàu thì con thong thả/ Cha mẹ nghèo, con vất vả gian nan", trên bước đường dựng thân lập nghiệp khi vấp phải khó khăn, thiếu thốn, cần người tương trợ.

Bây giờ, khi cũng sắp bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời, khi mình cũng đã trở thành cha của mấy đứa trẻ đang từng ngày lớn thì tôi mới nhận ra đâu là gia tài mà cha tôi để lại cho tôi, cho các em tôi.

Có thể trong mắt người khác, cha tôi là người đàn ông nghèo, quê mùa, ít học, tính lại hay bao đồng bởi nhà nào có ma chay, hiếu hỷ ông đều xăng xái khiến mẹ tôi lắm lúc lại cằn nhằn: "Ốc không mang nổi mình ốc mà lại mang cọc cho rêu". Đáp lại chỉ là nụ cười từ cha, nụ cười suốt mấy chục năm qua mỗi khi mẹ giận. Mẹ tôi luôn tỏ ra lấn át cha nhưng ông chưa từng quan tâm điều đó. Với cha tôi, nhường nhịn là một cách yêu thương; thứ ông nhận lại đó là bình yên của gia đình và tâm hồn thanh thản.

Cha tôi chưa từng ôm những đứa con vào lòng, không hôn lên trán hay nói "ba thương con" như cách tôi vẫn hay làm với tụi nhỏ bây giờ. Nhưng trong suốt chặng đường dài mà tôi và các em đã đi qua vẫn luôn có bóng dáng cha lặng thầm bên cạnh.

 

Cha là tấm gương soi

Gia tài cha tôi để lại không phải là thứ tài sản hữu hình có thể đưa tay chạm lấy mà chỉ là những thứ vô hình để mỗi đứa con có thể tự mình thấu cảm, đón nhận. Nếu như với tôi, đó là quyết định của cha làm thay đổi cuộc đời thì với em tôi có thể là tinh thần lạc quan giữa muôn vàn gian khó, đứa khác lại là tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cha giống như tấm gương mà mỗi đứa khi soi vào đó thấy đâu là phù hợp với mình mà rèn giũa.

Gia tài của cha tôi để lại chính là chúng tôi và cả những điều bình thường giản dị, được cất lên bằng hai tiếng yêu thương.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 
 


Bài và ảnh: NGÔ QUỐC VIỆT
(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.