(GLO)- Theo Tiến sĩ Trần Vũ Tuấn Phan-Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ), với nhiều mô hình doanh nghiệp hạt nhân thành công cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, Gia Lai sẽ nhanh chóng hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Những “cú hích” khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Hựu-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đưa 40 học viên gồm: cán bộ quản lý khởi nghiệp; cán bộ các hợp tác xã, Phòng Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh đi đào tạo và tham quan thực tế các mô hình khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Khởi nghiệp nông nghiệp đang là hướng đi được nhiều thanh niên trong tỉnh lựa chọn. Ảnh: L.L |
Nhờ đó, nhiều cá nhân đã mạnh dạn khởi nghiệp, bước đầu ươm tạo một số cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH một thành viên Cà phê HD Gia Lai chuyên về chế biến cà phê bột của anh Nguyễn Hữu Duy (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah); cơ sở nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Hòa (xã Đak Hlơ, huyện Kbang); cơ sở sản xuất rau an toàn của chị Nguyễn Thị Kim Anh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku); cơ sở sản xuất mật ong của anh Nguyễn Phú Khang (TP. Pleiku) và mô hình trồng chuối của anh Nguyễn Trung Thành (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ). “Từ những thành công này, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp tại 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Sở sẽ tiếp tục tổ chức đưa khoảng 70 học viên tham gia các khóa đào tạo khởi nghiệp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, Sở còn tiến hành bàn giao hơn 80 mô hình khởi nghiệp cho các địa phương trong tỉnh để nhân rộng”-ông Hựu cho biết thêm.
Phấn khởi vì được tham gia chương trình tập huấn về khởi nghiệp do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, anh Dương Minh Châu (khu phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) hy vọng: “Tôi rất yêu thích hoa, đặc biệt là hoa lan. Vì vậy, những kiến thức từ buổi tập huấn sẽ giúp tôi tự tin khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu hoa lan của riêng mình. Tôi sẽ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ tưới tự động, chăm sóc theo quy trình khép kín để nâng cao hiệu quả, chất lượng vườn cây…”. Còn theo chị Nguyễn Thị Ngọc Anh-Chi hội trưởng chi hội Nông dân tổ 7 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) thì nhu cầu khởi nghiệp làm giàu của người dân trong phường rất lớn, nhất là thanh niên không có cơ hội đi học hoặc làm ăn xa. “Tuy nhiên, các đoàn thể không có khả năng tài chính để hỗ trợ. Do đó, để áp dụng mô hình khởi nghiệp tại địa phương, bên cạnh chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay thì cần có chính sách hỗ trợ lãi suất. Có vậy, người dân mới có thể tiếp cận vốn để khởi nghiệp”-chị Ngọc Anh đề xuất.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để làm giàu
Theo Tiến sĩ Trần Vũ Tuấn Phan, Gia Lai có thế mạnh về nông nghiệp, lại dồi dào nguồn nhân lực trẻ nên việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều thuận lợi, hội đủ các điều kiện cần thiết. Song, để hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, tỉnh cần xây dựng một đề án về khởi nghiệp, trong đó, xác định rõ đối tượng tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể là các đoàn viên thanh niên, nông dân, hội viên Hội Cựu chiến binh… Tiếp đến, tỉnh cần lựa chọn một số lĩnh vực mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh để khởi nghiệp; đồng thời, phải đào tạo, tập huấn để người tham gia khởi nghiệp nắm được công nghệ lõi, từ đó phát triển mô hình khởi nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phan cho rằng, cần nhận thức rõ ý nghĩa của từ khởi nghiệp. Không nên hình dung nó quá cao xa mà khởi nghiệp thực chất là tạo điều kiện cho người dân được làm chủ và có mô hình sản xuất riêng của mình. Khác với các chương trình khuyến nông hay chương trình hỗ trợ khác mang tính chất “xóa đói giảm nghèo”, hệ sinh thái khởi nghiệp hướng đến làm giàu. Và hệ sinh thái này dựa trên tổng hòa kết hợp từ các thành phần trong xã hội, tạo nên sự phát triển bền vững. Tiến sĩ Phan gợi mở: “Hiện Trung ương đang có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Như vậy, hành lang pháp lý đã có, chỉ cần mô hình, chính sách của địa phương. Cụ thể, tỉnh có thể xây dựng đề án, thành lập Ban Hỗ trợ khởi nghiệp kiêm nhiệm, trong đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Từ đó, thống nhất về một đầu mối nhằm phát huy năng lực, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, người dân… trên địa bàn cùng tham gia khởi nghiệp”.
Lê Lan