Gia Lai triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị sơ kết công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9.

Tham dự hội nghị có đại diện HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị.

Thu ngân sách đạt thấp, giải ngân vốn đầu tư công chậm

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh, trong tháng 8 và 8 tháng tháng năm 2023, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin: Tính đến cuối tháng 8, toàn tỉnh đã gieo trồng 206.867 ha cây trồng các loại, đạt 93,3% kế hoạch, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.812 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 7.258 tỷ đồng, tính chung 8 tháng ước đạt 58.641 tỷ đồng, đạt 54,3% kế hoạch, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 40 triệu USD, tính chung 8 tháng đạt 530 triệu USD, đạt 77,94% kế hoạch, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước…

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt theo đúng kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 91 xã đạt chuẩn NTM; có 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng tiếp tục chậm lại; giải ngân xây dựng cơ bản, thu ngân sách chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn; tình trạng đuối nước, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều…

Đáng chú ý, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đến cuối tháng 8 đạt 3.533 tỷ đồng, đạt 65% dự toán Trung ương giao, đạt 59,8% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng lý giải: Nguyên nhân chủ yếu do công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các dự án kêu gọi đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa đồng nhất; sự bất cập giữa các luật, nghị định liên quan; tác động của các chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ người nộp thuế…

“Thời gian đến, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất phục vụ giải ngân các dự án đầu tư. Đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng được miễn giảm thuế, phí. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai sắp xếp, xử lý tài sản công; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ chi để có những điều chỉnh cụ thể”-Giám đốc Sở Tài chính nêu giải pháp.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao là 4.694,8 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 2.028,8 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.238,6 tỷ đồng). Tính đến ngày 31-8 đã giải ngân 1.149,9 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sở sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn đầu tư từ các dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quy định. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung ưu tiên cho vốn đối ứng chương trình mục tiêu quốc gia”.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu tồn tại: “Theo kế hoạch đầu tư công, hiện có một số tuyến đường liên huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa có đơn vị nào tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Do đó, đề nghị Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc và thống nhất bàn giao phần việc này cho đơn vị cụ thể quản lý nhằm phát huy hiệu quả công trình”.

Tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ

Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch trồng rừng năm 2023 và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: “Đến ngày 31-8, toàn tỉnh đã trồng được 2.763 ha rừng (đạt 34,5% kế hoạch), trong đó có 2.051,11 ha trồng rừng sản xuất và 712,162 ha trồng cây phân tán. Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để tham mưu UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất; đồng thời, đề xuất các bước tiếp theo để triển khai ngay sau khi quy hoạch được HĐND tỉnh thông qua”.

Bàn về công tác thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: “Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; nghiên cứu đề xuất thành lập mới, mở rộng các cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp các loại quy hoạch để tăng cường thu hút đầu tư. Đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy thủy điện vận hành các công trình hồ, đập an toàn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và dự báo tình hình trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị các sở, ngành, địa phương nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt trong điều hành. Đồng thời, đưa ra các giải pháp căn cơ để gỡ khó, khẩn trương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 9 và các tháng tiếp theo của năm 2023.

“Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiên quyết, kiên trì khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định. Chuẩn bị kỹ các nội dung trình kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026). Cùng với đó, khẩn trương rà soát, giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và chủ động xử lý những vấn đề mới phát sinh”-Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia, các đề án khuyến công địa phương; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, sớm đưa vào hoạt động các dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy chế biến. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phân bổ các nguồn vốn còn lại; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công; xây dựng giải pháp, tiến độ cụ thể cho từng dự án.

Cùng với đó, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023; tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là các khoản chi thường xuyên; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực. Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; phối hợp chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Diễn đàn kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khu vực Tây Nguyên...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả việc củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.