(GLO)- Ngày 30-10, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 745/QĐ-UBND về việc ban hành phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phương án đặt mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới. Phấn đấu từ tháng 11-2021, tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
Phương án hướng dẫn cụ thể phạm vi, phân loại và các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, từ đó giúp các địa phương dễ dàng xác định cấp độ dịch để triển các giải pháp, biện pháp phù hợp.
Phương án của tỉnh cũng nêu cụ thể các giải pháp, biện pháp hành chính và cá nhân đảm bảo an toàn phòng-chống dịch ứng với từng cấp độ. Trong đó, có việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau; việc tổ chức hoạt động tập trung trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,…), ngoài trời; hoạt động giao thông-vận tải; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các lớp giáo dục nghề nghiệp; hoạt động cơ quan, công sở; hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; các cơ sở, địa điểm chiếu phim, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin; truyền thông kịp thời, chính xác, sớm về các biện pháp phòng-chống dịch đối với từng cấp độ dịch, tạo sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng; triển khai công tác đảm bảo an sinh xã hội; công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
UBND tỉnh ban hành phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thụy |
Về các biện pháp chuyên môn về y tế bao gồm: công tác chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch Covid-19; xét nghiệm; cách ly y tế; tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; điều trị F0; công tác đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, khách sạn, điểm du lịch, cơ sở giáo dục-đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển.
Phương án cũng đề ra 7 giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng-chống dịch trên địa bàn; phát huy tính chủ động, chỉ đạo tập trung và phân công trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Tiếp tục sẵn sàng đáp ứng các cấp độ dịch theo các phương án “4 tại chỗ”; huy động, bổ sung các nguồn lực cho công tác phòng-chống dịch để đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu cho từng cấp độ dịch bệnh…
Củng cố các lực lượng, tổ chức thực hiện đồng bộ quy trình xử lý các trường hợp nghi ngờ, trường hợp xác định mắc Covid-19 trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp,… thần tốc xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm, kiểm soát nghiêm ngặt cách ly tập trung, cách ly tại nhà, không để lây lan ra cộng đồng; chuyển cấp độ dịch xuống mức thấp trong thời gian nhanh nhất; phấn đấu tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Tổ chức đánh giá, công bố cấp độ dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp hành chính, biện pháp y tế; thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về cấp độ dịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Triển khai có hiệu quả các giải pháp công nghệ hỗ trợ trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, hệ thống quản lý lưu trú, khai báo y tế, tiêm phòng vắc xin; thiết lập và ứng trực thường xuyên đường dây nóng từ tỉnh, đến cơ sở để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. Tăng cường giám sát việc bảo đảm an toàn phòng-chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, công an khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, thôn, làng, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng... phân công chịu trách nhiệm từng tuyến đường, từng xóm, từng hộ gia đình để kiểm tra, giám sát công tác phòng-chống dịch.
KIỀU PHAN