Hoạt động "tín dụng đen" gây nhiều hệ lụy cho các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh Đình Văn
Liên quan đến nạn "tín dụng đen" hoành hành, chỉ riêng Gia Lai có đến 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao với trên 9.000 người vay.
Ngày 22.12, Phòng Tham mưu (PV01, công an tỉnh Gia Lai) cho biết, tất cả 17 huyện thị của Gia Lai đều có hoạt động "tín dụng đen".
Công văn số 1519/ CAT-PV 01 do Phó Giám đốc CA tỉnh Gia Lai - đại tá Phan Thanh Tám - ký, cho biết: "Tại Gia Lai có 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao với trên 9.000 người vay (chủ yếu là người dân tộc thiểu số)".
Các đối tượng cho vay với hình thức dán tờ rơi quảng cáo ở khu dân cư, trường học, cột điện... kèm theo số điện thoại để liên hệ.
Rồi cho vay tiền mặt, vay bằng hình thức mua nợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) hoặc hàng hóa phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng...). Đáng nói, các đối tượng lôi kéo người vay bằng chiêu trò: "Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần cầm cố tài sản, chủ yếu tín chấp, dựa trên quen biết hoặc thông qua trung gian giới thiệu. Giấy cho vay không có người làm chứng, công chứng".
|
Công an TP.Pleiku bắt nhiều đối tượng người Hà Nội, Hải Phòng... vào Gia Lai cho vay nặng lãi. Ảnh Đình Văn |
|
Công an Gia Lai bắt giữ các đối tượng của Cty Nhất Tín Phát tham gia đường dây cho vay lãi nặng. Ảnh PC03 |
|
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán ngay cạnh khu phố văn hóa. Ảnh Đình Văn |
|
Nhiều gia đình người dân Tây Nguyên tan nhà nát cửa vì tín dụng đen. Ảnh Đình Văn |
Hoạt động này gây khó cho cơ quan chức năng khi lãi suất chủ yếu lại thỏa thuận bằng miệng giữa người vay và người cho vay, không thể hiện lãi suất trên tờ rơi quảng cáo, hợp đồng, giấy vay. Thậm chí, một số trường hợp ghi lãi suất thấp nhưng thực tế thỏa thuận cao gấp nhiều lần.
Công an tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh: "Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về hệ thống ngân hàng, tín dụng". Đồng thời cho biết, thực tiễn còn bỏ ngỏ, chưa tham mưu xử lý theo chức năng, thẩm quyền. Việc tuyên truyền chưa đồng bộ. Tâm lý, tập quán người dân thích thụ hưởng, chạy theo nhu cầu cuộc sống (mua sắm phương tiện cho con cái, nhất là xe gắn máy...), hoặc xử lý công việc gấp. Nhiều gia đình, vay đủ số tiền giải quyết công việc (2-20 triệu đồng) nên khi cần, chấp nhận vay với lãi suất cao, xử lý nhu cầu trước mắt.
Bên cạnh đó, một số bộ phận cho vay, hoặc mượn tiền người thân cho người khác vay để hưởng chênh lệch. Tất cả những nguyên nhân trên, góp phần để hoạt động "tín dụng đen" biến tướng, tạo nhiều hệ lụy cho xã hội (người nghèo mất đất, mất nhà, bị đâm chém vì thiếu đóng tiền lãi...).
Hôm qua (ngày 21.12) Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, (PC 03, CA tỉnh Gia Lai) đã "xóa sổ" tụ điểm cho vay nặng lãi của Cty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (trụ sở 95/ Lê Duẩn/ TP.Pleiku), bắt 7 đối tượng và khám xét 4 chi nhánh của Cty này.
Cty Nhất Tín Phát có các địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Bình Định, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… hoạt động chính là cho vay với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 0,4%/ngày, 12%/tháng, 144%/năm.
Thống kê, hàng ngàn người là nạn nhân của công ty này. Thủ đoạn của công ty Nhất Tín Phát là "núp bóng" mua bán, cho thuê ôtô, xe máy. Tổng số tiền thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỉ đồng.
Báo Lao Động đã có các bài viết "Tín dụng đen" hoành hành, dân nghèo khốn đốn", "Công an... khó điều tra (!)" phản ánh, nhiều đối tượng phía bắc (chủ yếu Hà Nội, Hải Phòng...) vào các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk "hành nghề" cho vay nặng lãi, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản.
Chúng in hàng trăm tờ rơi quảng cáo cho vay rồi chia nhau phân phát, lôi kéo người vay. Các đối tượng xăm trổ đầy mình, khi con nợ không đóng đủ lãi, chúng dọa "cắt chân, cắt tay", uy hiếp tinh thần; đòi siết nhà, siết đất.
"Tín dụng đen" hoành hành các tỉnh Tây Nguyên được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV (ngày 20.10 - 21.11). Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm chỉ đạo phát động đợt cao điểm tấn công, loại trừ tội phạm "tín dụng đen" trên toàn quốc. |
Đình Văn (LĐO)