Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Kế hoạch số 3638/KH-UBND về công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024.

Kế hoạch đề ra mục đích, yêu cầu cụ thể là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về CCHC, triển khai có hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát và xử lý kết quả kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tiếp tục cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và thanh toán trực tuyến để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Khắc phục những hạn chế của bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức để xây dựng và vận hành bộ máy hành chính nhà nước thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xây dựng nền công vụ dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tài chính đối với các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7-10-2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16-9-2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Có thể bạn quan tâm