Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.

Nhiều bệnh nhân lao phát hiện muộn

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Mặc dù hệ thống phòng-chống bệnh lao được củng cố từ cơ sở và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai các đợt khám sàng lọc trong cộng đồng nhưng ước tính vẫn còn nhiều bệnh nhân lao chưa được phát hiện, điều trị.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: N.N

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: N.N

Nhiều người bệnh đã có triệu chứng điển hình của bệnh lao nhưng chủ quan trong khám tầm soát dẫn đến điều trị bệnh không dứt điểm khiến bệnh tình chuyển nặng. Bà Nguyễn Thị Mai (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: “Trước đây, chồng tôi ho nhiều, mệt mỏi. Mỗi khi phát bệnh thì gia đình chở lên Trung tâm Y tế thị xã khám lấy thuốc.

Gần đây, bệnh tiến triển nặng, gầy yếu, sút cân, mệt mỏi, khó thở, ho nhiều. Vì vậy, gia đình đưa lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh điều trị. Bác sĩ hướng dẫn phải điều trị đúng, đủ liệu trình thì bệnh mới thuyên giảm”.

Nhiều tháng nay, ông Drôi (SN 1960, xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang) thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở, ho, sốt về chiều… nên đã đến cơ sở y tế thăm khám. Ông được chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để điều trị với chẩn đoán lao phổi.

Ông chia sẻ: “Vài tháng gần đây, tôi thường xuyên mệt mỏi, không thể làm việc, sinh hoạt như trước. Bác sĩ hướng dẫn tôi cần phải điều trị lâu dài, uống thuốc theo chỉ dẫn và tuân thủ điều trị để chữa khỏi bệnh”.

Dù mới 28 tuổi nhưng anh Nguyễn Ngọc Linh (làng Ia Mút, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã phát hiện bị lao phổi. 6 tháng trước, anh Linh bắt đầu có những triệu chứng bệnh như: sút cân, ho nhiều nhưng chủ quan không đi khám.

Đến nay, bệnh tiến triển nặng, anh Linh đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Qua khám sàng lọc, anh được chẩn đoán mắc lao phổi, kết quả chụp X-quang đã có tổn thương rộng ở phổi.

Chủ động sàng lọc bệnh lao

Bác sĩ Lương Quang Vinh (Khoa Khám hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) thông tin: Nhiều bệnh nhân lao đến bệnh viện đa phần ở giai đoạn muộn do chủ quan không tầm soát. Họ nghĩ những triệu chứng ho, sốt là những bệnh lý thông thường và chỉ ra tiệm mua thuốc uống chứ không đi khám.

“Ở những bệnh nhân này dù khả năng điều trị khỏi vẫn có nhưng sẽ để lại di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Để điều trị khỏi thì bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, uống đúng liều lượng thuốc và điều trị đủ trong thời gian 6 tháng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những trường hợp dùng thuốc lao một thời gian thì bị kháng thuốc; đồng thời bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng để tăng thêm sức đề kháng. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao toàn tỉnh đạt 94%”-Bác sĩ Lương Quang Vinh nhấn mạnh.

Bác sĩ CKI Lương Quang Vinh cho biết đa số bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đều là bệnh nhân nặng, đã có tổn thương lớn ở phổi, kèm theo nhiều bệnh lý khác. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ CKI Lương Quang Vinh cho biết đa số bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đều là bệnh nhân nặng, đã có tổn thương lớn ở phổi, kèm theo nhiều bệnh lý khác. Ảnh: Như Nguyện

Theo bác sĩ Vinh, nhiều bệnh nhân nhiễm lao không có triệu chứng nhưng nếu mắc những bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc những bệnh lý nằm viện kéo dài thì khi có các triệu chứng ho kéo dài hơn 2 tuần, sốt nhẹ về chiều thì nên tầm soát thêm bệnh lý lao để phát hiện và điều trị sớm. Vì đây là những đối tượng nguy cơ cao. Ngoài ra, nếu có các triệu chứng như ho, sốt về chiều hoặc ho khạc ra máu… thì nên đi khám sớm để tầm soát bệnh lao và các bệnh lý liên quan.

Nhằm chủ động phát hiện bệnh, hàng năm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đều triển khai chương trình thuộc “Chiến dịch mở rộng hoạt động sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng bằng chiến lược 2X” (X-quang, Xpert). Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp cùng ngành Y tế tỉnh Gia Lai triển khai Chương trình khám sàng lọc lao cộng đồng miễn phí.

Không chỉ vậy, SCDI còn có những hoạt động về hỗ trợ dinh dưỡng, giúp bệnh nhân lao có thêm điều kiện cải thiện dinh dưỡng, tăng sức đề kháng trong quá trình điều trị bệnh.

Nhân Ngày Thế giới phòng-chống lao 24-3 năm nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh phát động truyền thông toàn tỉnh với chủ đề: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Theo đó, Bệnh viện sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai kịp thời, thực hiện có hiệu quả chiến dịch truyền thông cho Ngày Thế giới phòng-chống lao 24-3.

Mặc dù đạt những kết quả khả quan nhưng công tác phòng-chống lao hiện vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh-cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản của việc phát hiện bệnh thấp và muộn là người dân còn kỳ thị với bệnh lao.

Bởi lẽ, đây là bệnh truyền nhiễm, dễ lây truyền trong cộng đồng. Người bệnh mặc cảm nên giấu, trì hoãn việc đi khám.

Bên cạnh đó, bệnh viện bố trí xa khu dân cư nhằm tránh lây truyền cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ngại đến khám, điều trị.

Theo bác sĩ Hiền, việc phát hiện muộn không những gây khó khăn cho việc điều trị mà còn có nguy cơ gây ra bệnh lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc.

Để công tác phòng-chống lao có hiệu quả trong thời gian tới cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương; quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động, nhất là trong truyền thông để giúp nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị đối với bệnh lao trong cộng đồng.

Song song đó, cần hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được cấp miễn phí. Nhưng bắt đầu từ tháng 7-2022, Việt Nam đã triển khai cấp thuốc chống lao hàng 1 bằng nguồn Quỹ BHYT. Vì vậy, một số bệnh nhân không có thẻ BHYT lo lắng gánh nặng chi phí đã không điều trị dứt điểm khiến gia tăng bệnh lao kháng thuốc và nhiều khó khăn cho công tác phòng-chống lao trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hội Thảo chuyên đề những thách thức về quản trị để một bệnh viện phát triển bền vững

Gia Lai: Hội Thảo chuyên đề những thách thức về quản trị để một bệnh viện phát triển bền vững

(GLO)- Ngày 2-11, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai tổ chức hội thảo chuyên đề “Những thách thức về quản trị để một bệnh viện phát triển bền vững”. Dự hội thảo có trên 50 đại biểu là lãnh đạo các bệnh viện công lập tại tỉnh; lãnh đạo và đại diện các khoa, phòng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh vừa tổ chức 2 lớp đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý và hồi sức trẻ sơ sinh cho 40 cán bộ y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai không ngừng đầu tư đồng bộ về mọi mặt, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Trong đó, kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu được đơn vị triển khai hiệu quả cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai hội thảo chuyên đề nhận biết sớm và can thiệp rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai hội thảo chuyên đề nhận biết sớm và can thiệp rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em

(GLO)- Ngày 27-10, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tổ chức hội thảo chuyên đề “Nhận biết sớm và can thiệp rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em”. Dự hội thảo có các chuyên gia và gần 80 cán bộ y tế đến từ bệnh viện, trung tâm y tế, Trung tâm hỗ trợ kỹ năng, tâm lý trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Ngày 26-10, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Công ty TNHH Baxter Việt Nam Healthcare tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu".