Gia Lai thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển cộng với quỹ đất dồi dào, cơ chế đầu tư thông thoáng, Gia Lai trở thành điểm sáng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Định vị thế mạnh

Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, nhiều sông suối, thích hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, trong đó có rau, hoa và cây ăn quả.

Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, xác định đây là nhóm cây trồng tiềm năng, có lợi thế của địa phương. Nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới dự báo tiếp tục tăng là cơ hội để sản phẩm rau, hoa, trái cây mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.

Để phát huy lợi thế, Gia Lai đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Tỉnh sẽ dành khoảng 120 ngàn ha để thực hiện đề án này với khát vọng trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước.

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất rau, hoa, cây ăn quả đạt trên 26.500 tỷ đồng (so với giá năm 2020) và năm 2030 đạt trên 54.370 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 300-350 triệu USD và năm 2030 đạt khoảng 500-600 triệu USD.

nha-may-che-bien-chanh-day-cua-cong-ty-tnhh-quicornac-gop-phan-dua-chanh-day-gia-lai-ra-the-gioi-anh-ha-duy.jpg
Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac. Ảnh: H.D

Với chủ trương đó, Gia Lai đã tập trung thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với hộ nông dân.

Trong đó, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn như: khu nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Nafood Group (xã Chư Á, TP. Pleiku) sản xuất giống chanh dây và chế biến chanh dây với công suất 350 tấn/ngày; trang trại của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) với diện tích 45 ha cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (Organic USDA); dự án sản xuất chuối già hương Nam Mỹ xuất khẩu của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa); khu sản xuất giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh)...

Ông Lê Văn Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ-thông tin: Những năm gần đây, Gia Lai phát triển rất mạnh mảng cây ăn quả, trong đó có chanh dây. Nhiều nhà máy chế biến đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả như: Quicornac, DOVECO, Nafood… Đây là điều kiện thuận lợi để Thông Đỏ quyết định đầu tư tại Gia Lai.

“Hiện chúng tôi có khu sản xuất giống chanh dây với diện tích hơn 12 ha, trong đó, 8 ha là nhà màng ứng dụng công nghệ hiện đại để cho ra cây giống tốt nhất. Mỗi năm, Công ty có thể cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống.

Giống chanh dây của Công ty đã cung cấp cho nông dân khắp vùng Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, đồng thời xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

Công ty tạo việc làm cho 150 lao động thường xuyên và khoảng 250 lao động vào mùa cao điểm. Điều tôi thấy hài lòng nhất chính là sự ủng hộ, đồng hành, sát cánh của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án”-ông Tuyến chia sẻ.

1-5456.jpg
Vườn ươm cây giống của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (ảnh đơn vị cung cấp).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 295 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó đã hình thành 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha, tập trung vào các loại cây trồng có thế mạnh như: cà phê, chanh dây, sầu riêng, chuối, bơ, hồ tiêu, cà phê, dược liệu…

Tương tự, Dự án trồng chuối già hương ứng dụng công nghệ cao tại xã Hneng và Ia Pết (huyện Đak Đoa) của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cũng đem lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: “Công ty đầu tư trồng 216 ha chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm của Công ty đã xuất sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Qatar, Israel... với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Công ty cũng tạo việc làm cho 600 lao động”.

gia-lai-dang-tiep-tuc-thu-hut-cac-du-an-nong-nghiep-cong-nghe-cao-anh-ha-duy.jpg
Gia Lai đang tiếp tục thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hà Duy

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tiếp tục kêu gọi nhiều dự án quy mô lớn

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sạch, dược liệu, trung tâm giống các loại…

Cũng theo ông Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong năm 2025 và giai đoạn 2025-2030. Riêng năm 2025, tỉnh có 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được kêu gọi đầu tư.

Đáng chú ý là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Chư Gu, Phú Cần, Ia Mláh (huyện Krông Pa) với diện tích dự kiến 1.000 ha, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Dự án này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện Krông Pa nhiệm kỳ 2020-2025; phù hợp với quy hoạch xây dựng chung 3 xã và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cũng như kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Krông Pa.

Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa đã thống nhất chủ trương đầu tư. Sau khi có nhà đầu tư được lựa chọn, UBND huyện cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định (kinh phí do nhà đầu tư tự chi trả).

mot-goc-khu-cong-nghiep-tra-da-tp-pleiku.jpg
Một góc Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Một dự án lớn khác là phát triển nông-lâm nghiệp công nghệ cao tại thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Dự án có tổng diện tích dự kiến là 65 ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Hay Dự án ươm cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và vườn trồng thí nghiệm tại xã Song An (thị xã An Khê) với diện tích 2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến kêu gọi là 10 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên đất trồng cây lâu năm do UBND xã Song An quản lý, không có tài sản công trên đất. Dự án được xác định là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thị xã, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất thị xã An Khê.

“Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện 30-70% so với quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Sở sẽ công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư. Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thẩm định dự án đầu tư và theo dõi, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư”-ông Hòa khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.