(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 2534/UBND-NL chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền quy định tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nông dân.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động rà soát nghiên cứu tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung ban hành các chính sách liên quan đến việc sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển các loài cây trồng chủ lực (kể cả dược liệu), phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả bền vững, chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, thông qua việc triển khai các chính sách đã được Chính phủ ban hành về phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn. Hướng dẫn xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, mô hình liên kết quy mô lớn về sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả.
Quan tâm tìm các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thanh Nhật |
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia. Có giải pháp phục hồi bảo vệ hệ sinh thái phát triển nông nghiệp gắn với phát huy hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên nước, đất rừng, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng tự nhiên tại khu vực Tây Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương nắm bắt tình hình thiên tai dịch bệnh có thể xảy ra, có phương án kịp thời xử lý và khắc phục. Phối hợp các sở ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong tỉnh, trong nước và mở cửa thị trường quốc tế, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng miền phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng vật nuôi nhằm đảm bảo về chất lượng, năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng. Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp, chính sách tiếp cận đất đai, các giới hạn về hạn điền, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực hành sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị và liên kết 6 nhà. Phối hợp làm tốt chức năng cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân và các dịch vụ kết nối với doanh nghiệp, thị trường, hỗ trợ và xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với từng ngành hàng nông sản...
THANH NHẬT