Gia Lai: Sâu bệnh hại hàng ngàn héc ta cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện đang xuất hiện một số loại sâu bệnh trên cây trồng vụ mùa như: sâu keo mùa thu hại bắp, khảm lá vi rút hại mì, rệp sáp trên cây cà phê, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu... Để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân đang triển khai các giải pháp phòng trừ sâu bệnh.  

Xuất hiện sâu bệnh trên nhiều loại cây trồng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được trên 170.923 ha cây trồng vụ mùa, đạt 81,6% kế hoạch. Trong đó, có 68.405 ha cây lương thực, 63.868 ha cây tinh bột, 27.242 ha rau đậu các loại, 4.271 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 4.667 ha cây hàng năm khác, trồng mới 1.592 ha cây công nghiệp dài ngày, trồng mới 838 ha cây ăn quả và hơn 40 ha cây dược liệu.

Người dân phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp. Ảnh: Lê nam
Người dân phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp. Ảnh: Lê Nam


Đối với cây mì, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 61.982 ha (đạt 101,4% kế hoạch) nhưng có hơn 606 ha bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ia Pa là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 510 ha, tiếp theo là Kbang với 79 ha và thị xã Ayun Pa 17 ha.

Bà Siu Blu (buôn Ama Rin 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho biết: “Gia đình tôi trồng được hơn 8 sào mì. Khi thăm đồng thì phát hiện có hơn 30% diện tích bị bệnh khảm lá vi rút. Tôi cho cuốc bỏ những cây bị bệnh nhằm tránh lây lan”.

Tương tự, bà Siu H'Bao (buôn Bah Leng, xã Ia Ma Rơn) cho hay: “Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1 ha mì, sử dụng giống mì từ vụ trước để lại. Khi cây mì lên được hơn 1 gang tay thì thấy bọ phấn trắng bám vào, lá bị xoăn, cây phát triển kém. Tôi vừa đi mua thuốc để phun diệt trừ bọ phấn trắng và cuốc bỏ những cây bị bệnh cho khỏi lây lan sang cây khác”.


Theo ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa: Toàn huyện có hơn 510 ha mì bị bệnh khảm lá. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh, xử lý đất chưa kỹ nên còn tồn tại mầm bệnh trên đồng ruộng hoặc sản xuất trên những diện tích vụ trước đã bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút.

Đối với cây bắp, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 29.120 ha. Tuy nhiên, hiện có hơn 171 ha bị sâu keo mùa thu gây hại. Trong đó, huyện Kông Chro có 94 ha, Kbang gần 76 ha và Đak Pơ là 7 ha. Ông Đinh Văn Líp (làng Dơng, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) có hơn 1 ha bắp bị sâu gây hại.

“Tôi trồng giống bắp Bioseed, khi cây lên được 2-3 cặp lá thì thấy xuất hiện sâu keo mùa thu. Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Đến nay, rẫy bắp của tôi đã bắt đầu phục hồi”-ông Líp cho hay.   

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh có 939 ha cà phê bị rệp sáp gây hại, 114 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh và hơn 1.781 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm.

Triển khai nhiều giải pháp phòng trừ

Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho biết: “Trung tâm đã cử cán bộ xuống các địa phương để kiểm tra tình hình và trực tiếp hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh. Theo đó, đối với sâu keo mùa thu, chúng tôi hướng dẫn bà con phun các loại thuốc như: Angun 5WG+Virtako 40WG, Karate 2.5EC+Selecron 500EC, Radiante 60SC... Đến nay, hơn 68 ha bắp được phục hồi, giảm tỷ lệ sâu hại 50-70%”.

 Người dân huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê. Ảnh: L.N
Người dân huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam


Còn ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro thì thông tin: Hằng tuần, Trung tâm đều gửi thông tin cảnh báo sâu bệnh hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho các địa phương. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp đã giảm nhiều.

“Đối với hơn 7,5 ha mì trồng trong vụ Đông Xuân 2019-2020 đang ở giai đoạn hình thành củ bị nhiễm bệnh khảm lá, chúng tôi cũng đã hướng dẫn người dân tiếp tục chăm sóc, bón phân để cho cây vượt qua ngưỡng gây hại. Sau đó, tiến hành thu hoạch sớm và tiêu hủy toàn bộ những cây bị bệnh”-ông Quốc nói.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các loại giống năng suất cao, có tính kháng bệnh và sạch bệnh để sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng sâu bệnh gây hại cho cây trồng tiếp tục phát sinh và lây lan như: rầy nâu hại lúa, rệp sáp hại cà phê, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, bệnh khảm lá vi rút hại mì và sâu keo mùa thu hại bắp.

“Thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại đến sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây; cần bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn phát triển để cây trồng phát triển ổn định”-ông Khải khuyến cáo.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.