Gia Lai quyết liệt thu hồi và xử lý nợ thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bình quân mỗi tháng, toàn tỉnh Gia Lai có gần 3.500 tổ chức, cá nhân nợ thuế quá hạn bị cơ quan Thuế áp dụng hình thức cưỡng chế phong tỏa tài khoản hoặc đình chỉ sử dụng hóa đơn. Điều đó cho thấy cơ quan Thuế đang quyết liệt thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế do Tổng cục Thuế giao.
Xử lý nợ thuế từ cơ sở
Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang là một trong số đơn vị kiểm soát tương đối tốt nợ thuế với tỷ lệ nợ có khả năng thu đang ở mức 1,6%/tổng dự toán thu ngân sách năm 2020. Tính đến đầu tháng 10-2020, Chi cục đang quản lý nợ thuế 15,6 tỷ đồng (trong đó, nợ khó thu 12,5 tỷ đồng, nợ có khả năng thu hơn 2,9 tỷ đồng).
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhóm nợ đều có xu hướng tăng, Chi cục đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung thu các khoản nợ thông thường, hạn chế tối đa việc chuyển từ nợ thuế có khả năng thu sang nợ thuế khó thu. Đồng thời, tiến hành rà soát, phân loại các khoản nợ thuế đang xử lý miễn giảm, điều chỉnh tiền thuế sai sót do người nộp và các khoản nợ ảo. Cùng với đó, Chi cục rà soát các khoản tiền thuế truy thu sau các cuộc kiểm tra nhằm đôn đốc thu nộp theo đúng quy định. Nhờ đó, Chi cục đã thu hồi nợ cũ năm 2019 chuyển sang gần 1,5 tỷ đồng, thực hiện khoanh nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng.
Ông Hoàng Phi Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang-cho biết: “Từ nay đến cuối năm, Chi cục tiếp tục đôn đốc thu kịp thời các khoản tiền nợ thuế đã hết thời gian gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các khoản nợ thuế mới phát sinh quá 90 ngày. Chi cục đặt mục tiêu phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ thuế dưới 5% trên tổng số thu ngân sách”.
Đối với các trường hợp nợ thuế quá hạn, cơ quan Thuế áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng hoặc đình chỉ sử dụng hóa đơn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ảnh: Sơn Ca
Đối với các trường hợp nợ thuế quá hạn, cơ quan Thuế áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng hoặc đình chỉ sử dụng hóa đơn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ảnh: Sơn Ca
Tại địa bàn thị xã An Khê, ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro đã chủ động tham mưu giúp chính quyền địa phương triển khai các biện pháp thu nợ thuế. Đồng thời, Chi cục đã làm việc với các doanh nghiệp nợ thuế số tiền lớn, thực hiện cam kết nộp các khoản nợ vào ngân sách. Chi cục cũng giao chỉ tiêu thu nợ đến từng địa bàn, gửi thông báo nợ hàng tháng và đôn đốc người nộp thuế. Mặt khác, thực hiện đối chiếu số nợ thực tế với nợ trên hệ thống TMS tại các đội thuế.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên đến đầu tháng 10, tổng nợ thuế do Chi cục Thuế khu vực quản lý tại thị xã An Khê còn 7,3 tỷ đồng, trong đó, nợ khó thu là 3,3 tỷ đồng, nợ có khả năng thu 4 tỷ đồng. Cùng với đó, Chi cục đã thu nợ thuế năm 2019 chuyển sang gần 2 tỷ đồng; ra quyết định khoanh nợ tiền thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội đối với 262 đơn vị với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng, xóa nợ 255 đối tượng với số tiền 987 triệu đồng.
Ông Đào Xuân Bảy-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực phụ trách thị xã An Khê-cho hay: “Từ đầu năm đến nay, công tác xử lý nợ thuế trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, thu hồi được nợ cũ cho ngân sách nhà nước. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đôn đốc người nộp thuế thực hiện kịp thời vào ngân sách các khoản nợ thuế, không để phát sinh nợ mới. Đồng thời, theo dõi tiến độ thu nợ của từng phòng, đội thuế để có giải pháp chỉ đạo kịp thời”.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến ngày 23-10, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện thu nợ cũ năm 2019 chuyển sang được 120 tỷ đồng, bằng 55% số nợ có khả năng thu. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện khoanh nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội với số tiền 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thuế tỉnh, nợ khó thu và nợ thuế thông thường đang có xu hướng tăng. Tổng nợ thuế toàn tỉnh đang ở mức 1.087 tỷ đồng, tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Nguyên nhân nợ thuế tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi, khó khăn về tài chính hoặc thua lỗ dẫn đến không có khả năng nộp thuế.
Mặt khác, công tác cưỡng chế nợ thuế gặp vướng mắc vì hầu hết doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày đang thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, tài khoản ngân hàng không có số dư, hầu hết tài sản đã thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Các trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan công tác quản lý nợ thuế, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-thông tin: “Trong thời gian còn lại của năm 2020, Cục Thuế tập trung đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản nợ đọng thuế nộp vào ngân sách nhà nước, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Để hoàn thành chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao, chúng tôi phân loại từng trường hợp nợ thuế có khả năng thu nhằm có giải pháp chỉ đạo phù hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế và kết quả thu nợ thuế hàng ngày, hàng tuần. Bên cạnh đó, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập hồ sơ đối với các đơn vị có nợ tiền thuê đất thuộc đối tượng được miễn, giảm để giải quyết miễn, giảm theo quy định”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm