Gia Lai quan tâm hỗ trợ nguồn tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, UBND tỉnh Gia Lai và chính quyền các địa phương đã quan tâm bố trí, điều chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh. Nguồn vốn này đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ia Pa là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Ông Võ Anh Tuấn-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa-cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trong việc triển khai cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đúng đối tượng nên đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm từ 5% trở lên”.
 Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Ksor Hvoak (thôn Hlil 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã có điều kiện đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: S.C
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Ksor Hvoak (thôn Hlil 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã có điều kiện đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: S.C
Nhằm hỗ trợ nguồn lực cho tín dụng chính sách, ngoài nguồn vốn của trung ương và tỉnh, hàng năm, UBND huyện Ia Pa đã bố trí 1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Là hộ cận nghèo được vay vốn, chị Ksor Hvoak (thôn Hlil 1, xã Ia Ma Rơn) cho biết: “Gia đình tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Tôi thấy vay vốn ngân hàng rất thuận tiện, lãi suất phù hợp với khả năng trả nợ của gia đình nên không phải đi vay mượn bên ngoài”. 
Ông Trần Ánh Tôn-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa-cho hay: “Hiện nay, Ia Pa là địa phương có nguồn vốn ngân sách ủy thác cao nhất tỉnh. Trong năm 2020, huyện tiếp tục bố trí chuyển nguồn vốn ngân sách 1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho Ngân hàng lên hơn 6 tỷ đồng”. Cũng theo ông Tôn, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa đã giải ngân cho 7.391 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 221 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến cuối năm 2019 của Phòng Giao dịch đạt 264 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014.
Theo ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: “Nhu cầu vốn trong dân rất lớn, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của tỉnh giảm 3% nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng lên, chiếm 10,09%. Để đáp ứng yêu cầu nâng mức cho vay, mở rộng cho vay thì quy mô nguồn vốn phải gia tăng. Do vậy, nguồn vốn ủy thác của địa phương là rất cần thiết trong việc tạo nguồn đối ứng để lấy vốn Trung ương về”. Cũng theo ông Chí, trong năm 2019, tín dụng CSXH tăng trưởng hơn 9%, tương đương con số 400 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.584,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy, Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam rất quan tâm khi ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho Gia Lai, góp phần đưa Chi nhánh đứng thứ 7 trên toàn quốc về quy mô dư nợ.
Ngày 8-1-2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 68/UBND-KTTH về việc triển khai Kết luận số 869-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kế hoạch số 723/KH-UBND của UBND tỉnh, hàng năm đưa vào dự toán ngân sách nội dung chi ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Đối với Sở Tài chính, khi lập dự toán ngân sách năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm hoặc 5 năm thì chủ động cân đối, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng CSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: “Hàng năm, ngành Tài chính ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cho Ngân hàng CSXH tỉnh. Hơn hết, chúng tôi đã xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của nguồn vốn ngân sách ủy thác cho ngân hàng nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ người dân, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Trong năm nay, Sở đã thực hiện ký kết ủy thác 20 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH tỉnh, nâng tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác lên hơn 157 tỷ đồng”.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.