Gia Lai: Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; những biến chứng của bệnh này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Tại thời điểm giao mùa như hiện nay, bệnh tay chân miệng càng dễ bùng phát thành dịch. Vì vậy, ngành Y tế đang tích cực triển khai các biện pháp phòng-chống.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính và lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh thường tăng mạnh vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. 
Bệnh này xuất hiện đầu tiên ở nước ta từ năm 2003 ở TP. Hồ Chí Minh và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc đặc hiệu. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng; xuất hiện các nốt đỏ dạng phỏng nước trên da, nhất là tại lòng bàn tay, bàn chân, kẽ miệng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ biến chứng sang viêm não và màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Hiện bệnh tay chân miệng đang gia tăng mạnh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hơn 3.500 trẻ mắc. Riêng TP. Hồ Chí Minh có hơn 2.500 trẻ mắc bệnh. Điều này làm dấy lên những lo ngại về sự bùng phát và lây lan của bệnh trong toàn quốc.
 Khám tay chân miệng cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Ảnh: Hoành Sơn
Khám tay chân miệng cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Ảnh: Hoành Sơn
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 139 trẻ mắc tay chân miệng. Độ tuổi trẻ bị nhiễm bệnh là từ 13 đến 28 tháng tuổi. Bệnh xuất hiện rải rác tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương có số bệnh nhân mắc cao là TP. Pleiku, Ia Grai, Đức Cơ…
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh đã thu dung và điều trị cho 53 trẻ bị bệnh tay chân miệng. Riêng từ đầu tháng 9-2018 đến nay, rải rác mỗi tuần có 2-3 ca nhập viện điều trị bệnh này. Vừa làm thủ tục nhập viện cho con gái 14 tháng tuổi, chị Dương Thị Mỹ Hạnh (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) cho biết: “4 hôm trước, toàn thân bé nóng sốt, bé không chịu ăn uống, sau đó nổi mẩn đỏ li ti trên tay. Tôi đưa đi khám thì nghe bác sĩ bảo cháu bị bệnh tay chân miệng. Sau thấy bé nổi mẩn nhiều hơn nên gia đình vội đưa cháu đến Bệnh viện Nhi để điều trị. Bác sĩ ở đây cũng chẩn đoán cháu bị tay chân miệng và cho nhập viện để theo dõi, điều trị”.
Tăng cường phòng-chống
Theo báo cáo từ huyện Ia Grai, từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận 26 trường hợp trẻ bị mắc tay chân miệng. Đặc biệt trong tháng 3-2018, tại xã Ia Sao xảy ra 2 ổ dịch tay chân miệng ở Trường Mẫu giáo 3-2 và Trường Mẫu giáo 19-5 với 17 trẻ mắc. Ngay sau khi phát hiện dịch, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc tích cực khống chế dịch. Bác sĩ Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cho hay: “Đầu năm học, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ chuyên trách xuống tận các trường mầm non để giám sát và hướng dẫn phương pháp phòng các bệnh lây nhiễm ở người, nhất là bệnh tay chân miệng ở trẻ. Hiện nay, một đoàn công tác của huyện đang tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng-chống bệnh cho trẻ tại các trường học trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các trường thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như làm tốt công tác vệ sinh trường học”.
Chung tay với ngành Y tế, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động phòng-chống bệnh tật cho trẻ, nhất là bệnh tay chân miệng. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku )-chia sẻ: “Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường luôn chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng-chống bệnh tật đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, nhà trường luôn chú trọng phòng-chống bệnh tay chân miệng. Ban Giám hiệu thường xuyên nhắc nhở các cô giáo vệ sinh lớp học sạch sẽ bằng nước sát khuẩn; rửa đồ chơi của trẻ; hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn uống hay sau khi đi vệ sinh để phòng tránh lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh tay chân miệng nói riêng. Nhờ làm tốt công tác vệ sinh nên nhiều năm liên tục, trường chưa ghi nhận học sinh nào bị bệnh tay chân miệng”.
Xác định tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hàng năm, khi xây dựng kế hoạch phòng-chống các bệnh truyền nhiễm ở người, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tham mưu Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các hoạt động chủ động phòng-chống, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ cơ số giường, phương tiện và hóa chất Cloramin B khử trùng để chống dịch nếu xảy ra ổ dịch; tổ chức kiểm tra, vận động các trường học thực hiện nghiêm các quy định phòng bệnh tay chân miệng; tuyên truyền trên hệ thống loa đài truyền thông nhằm vận động các gia đình tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh. “Thời điểm này đang trong kỳ chuyển từ mùa mưa sang mùa nắng, thời tiết nóng lạnh bất thường là môi trường cho các loại vi rút gây bệnh cho người phát triển, nhất là với trẻ em vì hệ miễn dịch yếu. Người dân cần chủ động giữ vệ sinh và cho trẻ ăn chín uống sôi. Nếu phát hiện trẻ bị tay chân miệng cần sớm đưa đến cơ sở y tế điều trị và cách ly trẻ để ngắt nguồn lây. Khi trẻ bị bệnh cần cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, không ăn đồ cay hoặc nóng”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh-khuyến cáo.
Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.