Gia Lai: Phát huy giá trị văn hoá của Đại lễ Phật đản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Phật lịch 2563-Dương lịch 2019, PV Báo Gia Lai vừa có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Phóng viên (PV)Xin Thượng tọa Trưởng Ban Trị sự cho biết về ý nghĩa của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Phật lịch 2563? 
Thượng tọa Thích Từ Vân: Quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, hòa hợp và phát triển. Với ý nghĩa ấy, năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận Đại lễ Phật đản hàng năm “Là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc” và sẽ được tổ chức luân phiên tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), cùng các nước Phật giáo trên toàn thế giới. Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc (còn gọi là Đại lễ Vesak) mang ý nghĩa “Tam hợp”, kỷ niệm 3 sự kiện thiêng liêng là Đức Phật Thích Ca Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn.
Thượng tọa Thích Từ Vân. Ảnh: Thanh Nhật
Thượng tọa Thích Từ Vân. Ảnh: Thanh Nhật
Năm nay là kỳ Đại lễ Phật đản Vesak lần thứ 16 của cộng đồng Phật giáo thế giới, cũng là lần thứ ba Đại lễ Phật đản Vesak tổ chức tại Việt Nam. Đại lễ Phật đản Vesak 2019 Phật lịch 2563 do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Chùa Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; thu hút sự tham gia đông đảo các chức sắc, lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học, các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng bào phật tử trong và ngoài nước…
Đây là vinh dự to lớn, là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam để góp phần cùng với cộng đồng Phật giáo Quốc tế trong việc phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình cho nhân loại. Đồng thời, Đại lễ là cơ hội cho cộng đồng thế giới có thêm hiểu biết về những giá trị đạo đức, văn hoá và tâm linh của Phật giáo, tạo nhịp cầu giao lưu học hỏi đoàn kết hữu nghị giữa các nước. Đây còn là thực tế sinh động về chính sách tự do tín ngưỡng-tôn giáo ở nước ta, đồng thời thể hiện hình ảnh về một nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, hội nhập, đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ… 
PV:Vậy, nét mới Đại lễ Phật đản năm nay tại Gia Lai là gì, thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Từ Vân: Đại lễ Phật đản Vesak 2019 Phật lịch 2563 là một sự kiện đối ngoại đặc biệt của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, diễn ra vào giữa nhiệm kỳ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiệm kỳ V của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai, một giai đoạn hứa hẹn nhiều  thành tựu mới trong hoạt động Phật sự tại địa phương, cũng như cả nước. 
Xe hoa mừng Đại lễ Phật đản. Ảnh: Thanh Nhật
Xe hoa mừng Đại lễ Phật đản. Ảnh: Thanh Nhật
Hoà trong không khí Đại lễ Phật đản Vesak 2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn việc tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các công việc chính như tổ chức treo biểu ngữ chào mừng Đại lễ Phật đản, xe hoa diễu hành, triển lãm văn hoá Phât giáo, viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, biểu diễn văn nghệ mừng Phật đản. Cấp tỉnh sẽ tổ chức lễ đài chính tại Chùa Bửu Thắng (thành phố Pleiku), cùng lễ rước Phật từ chùa Bửu Nghiêm về lễ đài chính chùa Bửu Thắng. Các địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức lễ tại Ban trị sự cấp huyện và ở các chùa, tịnh thất, tịnh xá, cùng các hình thức trang trí và sinh hoạt văn hoá-văn nghệ. Tại tư gia phật tử cũng treo cờ Phật giáo và trang trí để mừng Phật đản… Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ về nhiều mặt và đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ. Bên cạnh đó là sự chung sức chung lòng của đồng bào phật tử góp phần làm cho Đại lễ Phật đản tại tỉnh nhà sẽ diễn ra thành công tốt đẹp… 
PV:Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Phật lịch 2563, Hoà thượng có nhận xét gì về sinh hoạt tôn giáo tại Gia Lai thời gian qua?
Thượng tọa Thích Từ Vân: Tại Gia Lai, đặc biệt sau 44 năm giải phóng, trên địa bàn đã có hơn 50 ngôi chùa, tịnh xá được trùng tu, tái thiết hoặc  xây dựng mới. Đến nay,  toàn tỉnh hiện có hơn 100 chùa và tịnh xá, với hơn 500 chức sắc và tăng ni đang tu học. Đội ngũ tăng ni, các chùa, tịnh xá của tỉnh đã phát huy vai trò tuyên truyền động viên bà con phật tử thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chấp hành việc sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội. Đồng thời, giúp bà con phật tử học tập tinh thần từ bi của Đạo Phật, hướng đến cái thiện và làm việc thiện, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và thực hiện các phong trào do địa phương tổ chức.
Đoàn công tác của tỉnh thăm Chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku) nhân dịp Phật đản. Ảnh: Thanh Nhật
Đoàn công tác của tỉnh thăm Chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku) nhân dịp Phật đản. Ảnh: Thanh Nhật
Những năm qua, Tăng ni và phật tử toàn tỉnh rất phấn khởi vì hoạt động tôn giáo nói chung, cũng như  Phật giáo nói riêng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của lãnh đạo các cấp địa phương. Điều đó cũng khẳng định thực tế đời sống sinh hoạt của Phật giáo nói riêng, cũng như các tôn giáo tại Gia Lai ngày một phát triển thuận lợi, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng-tôn giáo...
Kính chúc toàn thể quý vị và tăng ni, phật tử một mùa Phật đản hoan hỷ, thân tâm thường an lạc!. 
PV: Xin cảm ơn thượng tọa.   
  Thanh Nhật (Thực hiện)

Có thể bạn quan tâm