(GLO)- Trong những năm tới, Gia Lai xác định tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đổi mới các mô hình tăng trưởng, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng tạo sự bứt phá mạnh mẽ trên các “trụ cột” chính là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế thời gian qua đang tạo nên kỳ vọng Gia Lai sẽ là trung tâm hội tụ phát triển của vùng Tây Nguyên.
Thu hút nhiều dự án lớn
Trong các “trụ cột” kinh tế, nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng đối với việc ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Trọng tâm của ngành là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Thực hiện mục tiêu trọng tâm này, giai đoạn 2015-2020, tỉnh thu hút được 15 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh đã hình thành 165 cánh đồng lớn với tổng diện tích 8.840 ha; hơn 42.800 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ; hơn 28.130 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Dây chuyền chế biến chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Hà Duy |
Là doanh nghiệp liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, chế biến sản phẩm để xuất khẩu, ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết: Công ty đã liên kết phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 20.000 ha thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã từng bước xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Sản phẩm của Công ty đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đang mở ra hướng phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai-thông tin: “Các dự án điện gió mà chúng tôi đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng. Việc thúc đẩy xây dựng các công trình năng lượng tái tạo sẽ khai thác nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận, hạn chế phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Các dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Công trình điện gió sẽ góp phần thu hút khách du lịch vì sức hấp dẫn của toàn cảnh công trình”.
Động thổ nhà máy điện gió tại huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy |
Bức tranh du lịch cũng có sự khởi sắc. Các địa phương đã đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Các sự kiện văn hóa, du lịch tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo lượng khách tham quan. Hàng năm, số lượt khách du lịch tăng bình quân 15,7%, doanh thu tăng bình quân 10,8%.
Để phát huy những lợi thế sẵn có, tỉnh đã tổ chức có hiệu quả các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng. Hiện có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của 3 công ty và 3 chi nhánh với tổng vốn đăng ký khoảng 81 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước trung bình khoảng 0,5 triệu USD/năm; giải quyết việc làm cho gần 900 lao động.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư được tỉnh kịp thời nắm bắt và giải quyết. Sự hài lòng của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư được thể hiện qua sự thăng hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Những nỗ lực đó giúp tỉnh có cơ hội đón nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư như: FLC, Thành Thành Công, Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), Golf Long Thành, Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk (Đại học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc)...”.
Tiếp tục dựa trên lợi thế để phát triển
Gia Lai hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế như: diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển các loại cây nông nghiệp với quy mô lớn; có cảng hàng không, các tuyến quốc lộ 19, 25, 14 và đường Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ; có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 97.000 ha cà phê, 88.000 ha cao su, 14.000 ha hồ tiêu, 77.000 ha mì, 18.500 ha cây ăn quả, 20.000 ha điều, 34.000 ha mía, 74.000 ha lúa, 49.000 ha bắp… Quá trình phát triển của các loại cây trồng chủ lực này gắn với hoạt động của các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 2 nhà máy đường; 82 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê; 3 nhà máy và các cơ sở chế biến, sơ chế hồ tiêu; 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu; 5 nhà máy chế biến mì; 15 cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến mủ cao su và 1 nhà máy chế biến rau quả.
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên |
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều mô hình phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mũi nhọn vẫn là thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hoá nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản”.
Trong lần làm việc với Thường trực Tỉnh ủy hồi đầu năm, PGS-TS. Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ-nhìn nhận: “Gia Lai giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế này. Tuy vậy, Gia Lai cần xác định nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ lực, do đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với phát triển du lịch, đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Tỉnh phải chủ động, sáng tạo và có những cơ chế thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu xây dựng Gia Lai là trung tâm hội tụ phát triển của vùng Tây Nguyên để làm cơ sở và quyết tâm thực hiện”.
VŨ THẢO-HÀ DUY