Gia Lai nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cứ 2 năm một lần, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được tổ chức nhằm tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư, xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Qua đó, tạo đà cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu vươn xa, thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu.

 

Đa dạng sản phẩm

Năm nay, toàn tỉnh Gia Lai có 53 sản phẩm, bộ sản phẩm của 33 đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia bình chọn. Các sản phẩm này thuộc 3 nhóm: nhóm sản phẩm chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm như cà phê, hồ tiêu, mật ong, bò khô, hạt điều, hạt sachi, mắc ca, trà xanh, măng le, dầu đậu nành, tương đen, nước uống thảo dược; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí như máy đào xới bồn cà phê, máy hái cà phê, máy đa năng; nhóm sản phẩm khác gồm tinh dầu, cao đinh lăng, nấm đông trùng hạ thảo, nước lau sàn, nước tắm thảo dược, rượu ghè.

 Các sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: V.T
Các sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: V.T



Ông Ngô Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm nay có sự góp mặt của nhiều loại sản phẩm mới mang nét đặc trưng, được khai thác dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của từng địa phương trong tỉnh. Năm nay, số lượng cơ sở và sản phẩm tham gia đều tăng so với năm 2018. Điều đó cho thấy các cơ sở đã chú trọng đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng tầm sản phẩm đạt chất lượng và giá trị sử dụng cao. Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được đánh giá dựa trên các tiêu chí cơ bản như: đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng phát triển sản xuất; kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường; tính văn hóa và thẩm mỹ...

Theo ông Trần Đức Hưng-Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Trưởng ban giám khảo đợt bình chọn, trong số 53 sản phẩm, bộ sản phẩm tham gia có nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận 3-4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019. “Với mục đích phát hiện, tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu có giá trị, đạt chất lượng nhằm quảng bá đến các thị trường, sau khi xem xét chấm điểm, Ban giám khảo đã đề cử 25 sản phẩm, bộ sản phẩm để Hội đồng bình chọn xem xét, quyết định công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng thời, đề cử 14 sản phẩm, bộ sản phẩm có kết quả cao nhất tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực”-ông Hưng thông tin.

Cơ hội vươn xa

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) có bộ 3 sản phẩm (tiêu đen hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí) đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019. Bộ sản phẩm này cũng đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 và được đề cử tham gia bình chọn cấp khu vực. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, Hợp tác xã tiếp tục cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong năm 2019, các sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí được cấp chứng nhận USDA (Mỹ) và EU. “Mong muốn lớn nhất của Hợp tác xã là được hỗ trợ xúc tiến thương mại để ổn định đầu ra cho sản phẩm; đồng thời xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu hữu cơ để hướng đến xuất khẩu trực tiếp, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm, giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định sản xuất”-bà Nga cho hay.

Các sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: V.T
Các sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: V.T



Cũng có bộ sản phẩm CNNT được đề cử tham gia bình chọn cấp khu vực, bà Trịnh Thị Lương-chủ cơ sở sản xuất và chế biến Cà phê Dalasa Coffee (155 Trường Chinh, TP. Pleiku) chia sẻ: “Sau khi đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh, bộ sản phẩm gồm cà phê phin túi lọc và cà phê bột nguyên chất của cơ sở đã được người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường tiêu thụ mở rộng. Vừa qua, bộ sản phẩm này tiếp tục được đề cử là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm của cơ sở vươn xa trên thị trường”. Cũng theo bà Lương, việc xây dựng thương hiệu cà phê mới trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn, buộc cơ sở phải tìm tòi hướng đi riêng để cho ra các dòng cà phê đặc sản. Cơ sở đang xây dựng mô hình sản xuất có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với các cơ sở sản xuất, việc có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu ở các cấp sẽ tạo niềm tin với người tiêu dùng, đối tác. Qua đó, các cơ sở có cơ hội đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Theo ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, hiện nay, việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đang được đẩy mạnh, song không ít sản phẩm vẫn đang gặp khó khăn về đầu ra. Do đó, hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được tổ chức 2 năm/lần nhằm tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. “Hàng năm, Sở Công thương luôn ưu tiên nguồn vốn cho công tác khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới. Công tác khuyến công được đẩy mạnh trong thời gian qua đã hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển, góp phần định hướng sản xuất, phát triển thị trường, tạo mối liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước”-ông Lộc cho biết thêm.

 

 VŨ THẢO


 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.