(GLO)- Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, những năm qua, các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới.
Tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, từ ngày 18-11 đến 23-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và người dân các xã biên giới: Ia O (huyện Ia Grai), Ia Dom, Ia Nan (huyện Đức Cơ) và Ia Púch, Ia Mơr (huyện Chư Prông). Thượng tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: “Trong đợt này, chúng tôi tập trung tuyên truyền, phổ biến những quy định cơ bản của Luật Hộ tịch năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Để giúp cán bộ, nhân dân nắm vững, hiểu rõ về quy chế biên giới, vành đai biên giới, đường biên, cột mốc, lực lượng báo cáo viên Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã phổ biến Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: A.H |
Cùng với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tập trung, vào các buổi tối cùng ngày, Đội tuyên truyền văn hóa của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Đội thông tin lưu động (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh) giao lưu văn nghệ cùng người dân. Đan xen trong các tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước... là các tiểu phẩm ngắn mang tính tuyên truyền, giáo dục sâu sắc. Với hình thức sân khấu hóa, các lực lượng đã mang đến cho người dân nhiều thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, đó là phải siêng năng lao động thì mới có cuộc sống ấm no, đủ đầy; ham chơi, lười lao động sẽ dễ dẫn đến đói nghèo, các tệ nạn xã hội khác; không nên “bắt chồng”, “bắt vợ” khi chưa đủ tuổi... Bà Rơ Châm Byeh (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Nhờ xem kịch mà mình hiểu hơn về Luật Giao thông Đường bộ. Người dân trong làng mình vẫn còn chủ quan lắm, uống rượu, uống bia vào vẫn lái xe, thanh niên thì lái xe rú ga, nẹt pô. Mình sẽ nhắc nhở con cháu, người thân phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định để không xảy ra hậu quả đáng tiếc”.
Thời gian qua, các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tổ chức tuyên truyền thường xuyên đến từng hộ gia đình, từng người dân, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tờ rơi, tờ gấp... Dựa vào tình hình thực tế của từng địa phương, các đơn vị đã lựa chọn các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp, qua đó giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Ông Siu Biu-già làng Klă (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) cho biết: “Vài năm trước, trong làng vẫn còn tình trạng người dân sử dụng vũ khí trái phép để săn bắn, rồi lén lút vào rừng lấy gỗ về xây dựng. Nhưng đến nay, nhờ các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động nên người dân đã tự nguyện giao nộp hết vũ khí, cũng không còn ai vào rừng để lấy gỗ nữa. Người dân trong làng cũng tích cực chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc”.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nghị, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhận thức của người dân trên khu vực biên giới thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện người lạ mặt ra vào khu vực biên giới và báo cáo cho lực lượng chức năng...
Anh Huy