Gia Lai: Mạnh tay xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng của tỉnh đã nỗ lực quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn, tuy nhiên, hoạt động này vẫn tồn tại nhiều diễn biến phức tạp khi nhiều chủ phương tiện không tuân thủ quy định của pháp luật. Trước tình hình này, mới đây, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã ra quân tổng kiểm tra, siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. P.V Báo Gia Lai trao đổi với Đại tá PHẠM VĂN UẤN-Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh về vấn đề này.

- P.V: Đại tá có thể cho biết tình hình hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra như thế nào?

Đại tá PHẠM VĂN UẤN: Gia Lai là một địa bàn trọng yếu về giao thông với nhiều tuyến quốc lộ đi qua trên quãng đường khá dài như: quốc lộ 14, 19, 25, đường Trường Sơn Đông. Nhu cầu đi lại của người dân Gia Lai đến các địa phương khác cũng như giữa các địa phương lân cận qua địa bàn tỉnh khá cao dẫn đến hoạt động vận tải hành khách phát triển mạnh. Thời gian qua, nhiều chủ phương tiện, tài xế chạy theo lợi nhuận mà không tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vận tải hành khách.

 

Cảnh sát Giao thông tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: L.V.N
Cảnh sát Giao thông tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: L.V.N

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: chạy quá tốc độ quy định; phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi inh ỏi, tranh giành khách; vòng vo, đón trả khách không đúng nơi quy định; chèn ép, nhồi nhét hành khách; tự ý sang nhượng khách khi chưa có sự đồng ý; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trong khoang chở khách; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; để người lên, xuống khi xe đang chạy; chạy không đúng tuyến, lịch trình, không có lệnh vận chuyển… Đặc biệt là còn có tình trạng một số tài xế để hành khách ngồi chung một ghế với mình. Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng trong tỉnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một số tài xế còn yếu kém. Nguyên nhân sâu xa là do công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục đội ngũ tài xế của một số đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách còn hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp còn thờ ơ, buông lỏng việc này. Cá biệt, có doanh nghiệp còn giao khoán giờ chạy cho các tài xế dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu để xe sau không thể tranh giành, bắt khách của xe đi trước. Bên cạnh đó, còn có một phần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ  khi thiếu kiên quyết, nể nang trong việc xử lý các hành vi vi phạm này.

- P.V: Trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa Đại tá?

Đại tá PHẠM VĂN UẤN: Các lực lượng chức năng nói chung và CSGT nói riêng vẫn thường xuyên xây dựng kế hoạch, chuyên đề triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh… về đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải hành khách. Phòng CSGT Công an tỉnh có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an các địa phương cùng các lực lượng khác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Trong 3 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 706 trường hợp ô tô khách vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Trong số này, 195 trường hợp vi phạm các lỗi chở quá số người quy định; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; không có lịch trình chạy xe đã bị xử phạt với tổng số tiền 125,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã cho 165 chủ doanh nghiệp vận tải hành khách, tài xế ô tô khách ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ.

- P.V: Trong đợt tổng kiểm tra phương tiện vận tải hành khách lần này, lực lượng CSGT sẽ triển khai những biện pháp nào để xử lý triệt để các hành vi vi phạm nói trên, thưa Đại tá?    

Đại tá PHẠM VĂN UẤN: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, ngày 3-4, Phòng CSGT đã ra quân tổng kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách trên các tuyến quốc lộ 14, 19, 25. Trong đó, đơn vị đặc biệt chú trọng kiểm tra các phương tiện ô tô loại 16 chỗ ngồi chạy các tuyến: Gia Lai-Quy Nhơn, Gia Lai-Đak Lak, Kon Tum-Đak Lak, Quy Nhơn-Đak Lak, Kon Tum-Quy Nhơn, Gia Lai-Phú Yên, Pleiku-Krông Pa, Pleiku-Ayun Pa. Đây chính là các phương tiện mà trong thời gian qua người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng vòng vo đón trả khách, nhồi nhét khách, chạy quá tốc độ… Chúng tôi đã lập nhiều chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ để kiểm tra 100% số phương tiện loại này nhằm rà soát tổng thể, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền đến các tài xế để họ tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Ngay trong ngày ra quân, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 48 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 35 triệu đồng. Trong đó, Đội CSGT số 2-quốc lộ 19 xử lý 19 trường hợp; Đội CSGT số 1-quốc lộ 14 xử lý 15 trường hợp; Đội CSGT số 2-quốc lộ 14 xử lý 3 trường hợp; Tổ CSGT trên quốc lộ 25 xử lý 11 trường hợp.  Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với lực lượng CSGT Công an các huyện, thị xã, thành phố xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, tránh tình trạng xe lòng vòng bắt khách gây bất bình dư luận trong thời gian qua.  

Đặc biệt, hôm nay (6-4), Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức buổi làm việc với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc này, đơn vị sẽ yêu cầu các chủ doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo tuân thủ Luật Giao thông Đường bộ. Đồng thời, chúng tôi sẽ đề nghị các doanh nghiệp đánh giá, phân tích những tồn tại, hạn chế trong hoạt động vận tải hành khách, chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Chúng tôi cũng sẽ lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách để phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ.

Tin rằng, với những giải pháp quyết liệt này, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đi vào quy củ.

- P.V: Xin cảm ơn Đại tá!

Lê Văn Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.