Gia Lai khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơn bão số 9 đã làm hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ngã đổ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng. Để hạn chế thiệt hại, ngành Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các địa phương đang cùng người dân tích cực khắc phục hậu quả để sớm khôi phục sản xuất.

Hàng ngàn héc ta cây trồng bị ngã đổ

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 31-10, bão số 9 đã làm hơn 2.066 ha lúa, 543,4 ha rau các loại, 445 ha mía, 71,9 ha mì, 67 ha bắp, 93 ha cây ăn quả và 11,75 ha cây công nghiệp bị ngã đổ; 200 con gia cầm bị đè chết do sập chuồng; 7 bè cá nuôi tại các lòng hồ thủy điện bị thiệt hại.

Hộ ông Nguyễn Đình Đoàn-thôn 4, xã An Thành (huyện Đak Pơ) đang dựng lại hơn 3 sào ớt bị ngã đổ. Ảnh: Lê nam
Người dân thôn 4 (xã An Thành, huyện Đak Pơ) dựng lại diện tích bị ngã đổ. Ảnh: Lê Nam


Tại huyện Đak Pơ, mưa bão đã làm thiệt hại 150 ha lúa, 1.426 ha hoa màu, 26 ha cây công nghiệp và cây ăn quả. Ông Nguyễn Đình Đoàn (thôn 4, xã An Thành) cho biết, lần đầu tiên ông chứng kiến bão mạnh như vậy. Gió giật mạnh đã làm hơn 3 sào ớt và 2 ha mía của gia đình ông bị ngã rạp.

“Sau khi bão tan, tôi phải thuê 4 nhân công dựng lại diện tích ớt bị ngã đổ với hy vọng cứu vớt được phần nào. Còn cây mía ngã đổ thì cũng đành chịu không thể dựng lại được. Như vậy, cây mía vừa giảm năng suất, chữ đường vừa khó thu hoạch”-ông Đoàn chia sẻ.

Trong khi đó, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Từ chiều 27-10 đến 19 giờ ngày 28-10, trên địa bàn huyện có mưa diện rộng kèm theo gió mạnh khiến nhà bị tốc mái, đường sá bị hư hỏng, công trình thủy lợi bị sạt lở... Ngoài ra, bão đã làm cho hơn 4.160 ha cây trồng bị ngã đổ, trong đó 403,6 ha lúa, 526,3 ha rau màu, 2.835,5 ha cây hàng năm khác, 102 ha cây lâu năm, 20 ha cây ăn quả, 178 ha cây lâm nghiệp.

Huyện Chư Pưh có 30 ha lúa nước, 5 ha rau, 2 ha đậu đỗ, 7 ha mì, 15 ha bắp, 10 ha cây ăn quả và một số cây trồng khác bị ngã đổ. Ông Võ Ngọc Giàu-Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ-Sản xuất-Kinh doanh nông lâm nghiệp Long Hưng (xã Ia Phang) cho hay: “Từ ngày 30-10 đến 1-11, chúng tôi đã huy động nhiều máy cắt giúp người dân sớm thu hoạch. Đến nay, toàn bộ diện tích trên đã được gặt xong, người dân tranh thủ trời nắng để phơi lúa”.

Tại huyện Chư Sê, bão số 9 đã làm ngã đổ 201 ha lúa, 292 ha cây lâu năm, 775,5 ha cây trồng hàng năm khác, 41 ha cây ăn quả, ước thiệt hại hơn 13,1 tỷ đồng. Ông Đinh Blâu (làng Chư Ruồi Sul, xã Kông Htok) cho hay, bão đã làm 4 sào mì và 3 sào lúa của gia đình ông bị ngã rạp.

“Sau khi bão tan, lực lượng dân quân của xã đến giúp gia đình tôi dựng lại 4 sào mì bị ngã đổ. Sau đó, họ cũng giúp tôi gặt lúa để tránh bị ngâm lâu trong nước làm hỏng lúa. Đến nay, số lúa của gia đình đã được gặt xong”-ông Blâu nói.

Gia đình ông Trần Văn Ba (làng Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) có 18 ha mía bị mưa bão làm ngã đổ. “Giờ tôi chỉ mong Nhà máy Đường Ayun Pa sớm vào vụ ép để ruộng mía bớt thiệt hại về chữ đường. Vụ này chi phí thuê nhân công chặt mía chắc chắn sẽ cao hơn. Không biết giá cả thế nào chứ nhìn đám mía thế này rầu lắm”-ông Ba chia sẻ.

Khẩn trương khắc phục, hạn chế thiệt hại

Những ngày qua, ngành Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả của bão số 9. Ông Lê Hùng Trường-Bí thư Đảng ủy xã Kông Htok-cho hay: Ngay sau khi bão tan, xã đã huy động lực lượng dân quân, Công an xuống các thôn, làng giúp dân lợp lại mái nhà, dọn dẹp nhà cửa để ổn định sinh hoạt. Bên cạnh đó, xã cũng đã tuyên truyền cho những hộ có diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ phải nhanh chóng gặt sớm để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, UBND xã đã cử lực lượng dân quân giúp các hộ dân trong việc thu hoạch lúa, dựng lại một số diện tích mì ngã đổ nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con.

Người dân thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) khẩn trương thu hoạch lúa bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: Ngọc Sang
Người dân thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) khẩn trương thu hoạch lúa bị ngã đổ do bão số 9. Ảnh: Ngọc Sang
Thực hiện Công văn số 2210/UBND-NL của UBND tỉnh, đến nay, các địa phương đã hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà, đảm bảo ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trường học cũng khẩn trương sửa chữa để sớm hoạt động trở lại. Công ty Điện lực Gia Lai tập trung khắc phục các sự cố về lưới điện... Đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại, ngành chức năng và các địa phương đã nhanh chóng triển khai khắc phục hậu quả. Hướng dẫn người dân thu hoạch cây trồng. Đồng thời, tổng hợp thiệt hại, nhu cầu cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ khắc phục theo quy định của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Cơn bão số 9 gây ảnh hưởng rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng dân quân tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định sản xuất”.

Còn tại huyện Kbang, các xã, thị trấn hướng dẫn hộ dân bị thiệt hại triển khai các biện pháp để bảo vệ cây trồng, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, không để cây lúa bị ngập lâu và khẩn trương thu hoạch đối với diện tích lúa đã chín. Cùng với đó là vệ sinh đồng ruộng, khôi phục diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, gieo trồng lại ở những diện tích bị thiệt hại nhằm bảo đảm sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân kê khai thiệt hại, kiểm tra, đánh giá để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Tương tự, tại huyện Đak Pơ, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê diện tích cây trồng bị ngã đổ. Hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa, bắp bị ngã đổ với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” và dựng lại những diện tích hoa màu bị ngã đổ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã làm tờ trình gửi Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch các loại cây trồng khi đã đủ độ chín để tránh thiệt hại, nhất là vùng ven sông, suối; đối với diện tích lúa bị ngã đổ huy động lực lượng dân quân, Đoàn Thanh niên, Quân đội giúp dân thu hoạch...; khẩn trương kiểm tra, thống kê đánh giá thiệt hại diện tích cây trồng do mưa bão. Đồng thời sẽ hỗ trợ giống, phân bón cho người dân kịp thời từ nguồn kinh phí trung ương để khôi phục sản xuất.

 LÊ NAM-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.